Việt Nam đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu cà phê trong quý đầu năm

16:31 19/04/2022

Số liệu của ICO cho biết, Việt Nam vẫn là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới, với lượng xuất đạt 11,6 triệu bao từ đầu niên vụ 2021-2022 đến nay, tăng mạnh 19,1% so với niên vụ trước đó.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt mức 2.248 USD/tấn, giảm 2,5% so với tháng 2/2022, nhưng tăng 22,2% so với tháng 3/2021. Tính chung cả quý I, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt mức 2.230 USD/tấn, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Quý I/2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 58.700 tấn, kim ngạch 1,3 tỷ USD, tăng 28,3% về lượng và tăng 60,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Với con số 1,3 tỷ USD, quý I/2022 đã xác lập giá trị kim ngạch xuất khẩu cà phê tính theo quý cao nhất từ trước đến nay.

Việt Nam đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu cà phê trong quý đầu năm
Việt Nam đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu cà phê trong quý đầu năm.

Theo phân tích mới nhất của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ 2021 - 2022 giảm 2,1% xuống 167,2 triệu bao, trong khi đó, tiêu thụ tăng 3,3% lên 170,3 triệu bao.

Như vậy, thị trường cà phê thế giới niên vụ 2021-2022 sẽ ghi nhận mức thâm hụt kỷ lục 3,1 triệu bao do sản lượng của Brazil thấp. Hiện quốc gia này là nhà xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới, theo sau là Việt Nam. 

Tổ chức Cà phê Quốc tế cũng cảnh báo cán cân cung - cầu cà phê có thể phải đối mặt với những rủi ro liên quan đến tăng trưởng kinh tế thế giới đi xuống, nhu cầu tiêu thụ giảm trong khi chi phí trồng, chế biến, vận chuyển cà phê đều tăng do căng thẳng Nga - Ukraine leo thang.

Số liệu của ICO cho biết, Việt Nam vẫn là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới, với lượng xuất đạt 11,6 triệu bao từ đầu niên vụ 2021-2022 đến nay, tăng mạnh 19,1% so với niên vụ trước đó.

Mức tăng này một phần là bởi cùng kỳ năm ngoái xuất khẩu của Việt Nam ở mức thấp do các vấn đề về logistics, thiếu hụt container, chi phí vận chuyển hàng hóa tăng cao và tắc nghẽn cảng biển tại các thị trường xuất khẩu chính là Mỹ và châu Âu. Brazil vẫn đứng vị trí thứ nhất về xuất khẩu cà phê, với hơn 40 triệu bao đã xuất đi từ đầu niên vụ đến nay.

Đứng thứ ba là Indonesia, với khối lượng xuất khẩu tăng 16,5% lên 3,6 triệu bao. Mức tăng này là nhờ vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành công nghiệp cà phê hòa tan. Indonesia đã xuất khẩu 1,1 triệu bao cà phê hòa tan trong giai đoạn từ tháng 10 năm ngoái đến tháng 3 năm nay so với 0,7 triệu bao của cùng kỳ niên vụ 2020-2021.

Tuy nhiên trên thị trường thế giới, trong nửa đầu tháng 4/2022, giá cà phê Robusta giảm do nguồn cung tăng và áp lực đáo hạn hợp đồng quyền chọn kỳ hạn tháng 5/2022. Trong khi Việt Nam vừa kết thúc vụ thu hoạch cà phê, thì Brazil và Indonesia cũng bắt đầu thu hoạch cà phê Robusta vụ mới. 

PV