Vì sao nhiều trung tâm thương mại cao cấp "chết yểu"?

00:00 12/10/2020

 Sự ra đi liên tiếp 3 trung tâm thương mại lớn tại Hà Nội và TP HCM của Parkson cùng với những đối thủ cạnh tranh đã cho thấy bức tranh ảm đạm của phân khúc bán lẻ cao cấp. Vậy lý do của những “cái chết” chung này là gì?

parkson

“Điệp khúc” đóng cửa

Chỉ trong một thời gian ngắn, Parkson đã lần lượt đóng cửa 3 trung tâm thương mại mua sắm tại Hà Nội và TPHCM.

Theo thông báo, Parkson Viet Tower tại ngã tư Tây Sơn – Thái Hà (Parkson Thái Hà) sẽ chính thức dời địa điểm kinh doanh từ 15/12 tới sau 8 năm hoạt động. Trong khoảng thời gian từ 15/11 tới 15/12, Parkson yêu cầu khách hàng tới đổi điểm tích lũy nhận phiếu chiết khấu và sử dụng đến hết ngày 15/12.

Trước đó, vào tháng 1/2015, Parkson Keangnam đã đột ngột thông báo đóng cửa, yêu cầu các chủ cửa hàng phải dọn đi trong đêm. Nhiều đơn vị kinh doanh tại Parkson Landmark72 (Hà Nội) cho biết, họ nhận được quyết định ngừng hoạt động vô cùng bất ngờ và không hề biết lý do. Chỉ vào chiều hôm trước khi đóng cửa, Ban quản lý (BQL) tòa nhà mới có động thái là dán thông báo với lý do: Đóng cửa là “để kiểm tra và sắp xếp hàng hóa”.

Tiếp đó, vào ngày 16/5/2016 khi thông báo trên website của Parkson cho biết, Trung tâm thương mại Parkson Paragon sẽ tạm ngừng hoạt động từ 1/5/2016 cho đến khi có thông báo mới. Kế hoạch di dời đã được thông báo với các đối tác kinh doanh trước 2 tháng, và nhận được sự chấp nhận. Dù phía Parkson không nêu rõ nguyên nhân vì sao đóng cửa TTTM này nhưng nhiều nguồn tin cho rằng nguyên nhân rất có thể cũng là do làm ăn thua lỗ, hoạt động không hiệu quả.

Cùng chung “số phận” với Parkson, những đối thủ kinh doanh một thời của trung tâm thương mại cao cấp này cũng nhanh chóng lao dốc với sự ra đi của những cái tên như Grand Plaza, thậm chí Hang Da Galleria.

Thực tế cho thấy, sự khó khăn của thị trường và những định hướng sai lầm “chết người” của đơn vị quản lý đã khiến Grand Plaza phải đóng cửa vài lần, trong đó lần đóng cửa lâu nhất gần đây kéo dài tới hơn 2 năm. Đến khi hết thời hạn nằm “phủi bụi” Grand Plaza đã trải qua 1 cuộc “đại phẫu” với cái tên hoàn toàn mới “KASAGRAND” và hình thức kinh doanh đơn ngành – nội thất Châu Âu

Và đến nay, “cái chết” của Parkson Thái Hà cho thấy hiệu quả hoạt động của những trung tâm thương mại cao cấp ở Việt Nam ngày càng co hẹp.

Parkson là thương hiệu trung tâm thương mại bán lẻ của Tập đoàn Lion, đến từ Malaysia. Báo cáo quý 3 (kết thúc vào ngày 31/03/2016) của Parkson cho thấy, bất chấp một số trung tâm thương mại mới đi vào vận hành tại Malaysia, nhưng doanh thu của quý sụt giảm mạnh đến 15.6% với 71.5 triệu USD, dẫn tới doanh thu lũy kế 9 tháng trong năm tài chính của hãng bán lẻ này chỉ còn 294.6 triệu USD, giảm mạnh 14.4% so với cùng kì năm trước.

CEO Toh Peng Koon của Parkson từng nhận định rằng: Việt Nam là thị trường khó khăn nhất của tập đoàn này, nhất là khi xu hướng tiêu dùng đã dịch chuyển mạnh. Sự tham gia của các ông lớn bán lẻ tại Nhật, Hàn Quốc, hay sự nổi lên của cả các doanh nghiệp trong nước đã khiến những trung tâm cao cấp như Parkson ngày càng chồng chất khó khăn.

Theo một chuyên gia kinh tế, việc phải gánh chi phí để duy trì, làm mới mô hình và mở rộng thêm các trung tâm thương mại nhằm duy trì lợi thế cạnh tranh và chiếm lĩnh thị trường dài hạn dần trở thành áp lực lớn cho Parkson. Vị này cũng nhận định, thách thức lớn nhất nằm ở chỗ chi phí ngày càng lớn và miếng bánh thị trường buộc phải chia năm xẻ bảy cho nhiều đối thủ mới hơn và đáng gờm hơn khiến nhà bán lẻ này đuối sức trong nửa thập niên qua.

Doanh nghiệp về đâu?

Nằm ở vị trí đắc địa giữa trung tâm thành phố, Parkson Thái Hà có tổng diện tích kinh doanh hơn 11.000 m2, từng kỳ vọng sẽ trở thành nơi mua sắm tấp nập. Nhưng thực tế, sau 8 năm đi vào hoạt động, trung tâm thương mại này thường xuyên vắng khách.

Việc đóng cửa trung tâm thương mại này vào đúng thời điểm mùa mua sắm cuối năm khiến cho không ít chủ doanh nghiệp gặp bất lợi bởi thông thường, cuối năm là thời điểm doanh thu mua sắm tăng cao.

Đáng buồn hơn, từ khi có thông báo đóng cửa trung tâm, hầu như không có khách đến trung tâm nữa, các gian hàng treo biển giảm giá từ 30 – 50% vẫn vắng bóng người. Bên cạnh đó, việc tìm kiếm địa điểm và sắp xếp kinh doanh thay thế cũng là vấn đề làm đau đầu các doanh nghiệp.

Ngoài ra, tại thời điểm đóng cửa, một số trung tâm thương mại vẫn chưa kết thúc hợp đồng thuê mặt bằng với chủ doanh nghiệp.

Như trường hợp tại Parkson Keangnam, nhiều chủ doanh nghiệp về nội thất cho biết hợp đồng thuê mặt bằng với chủ đầu tư vẫn còn hiệu lực và việc yêu cầu dọn hàng đột ngột mà không thông báo trước của Parkson là phá vỡ quy tắc hợp đồng. Cộng thêm những thông báo không dứt khoát từ phía Parkson đã khiến các chủ đầu tư khá lúng túng, không kịp “trở tay” và khá bức xúc.

Tương tự, “cái chết” của Parkson Paragon TP. HCM  cũng không có lý do và thông tin về những khách thuê bán hàng tại đây sẽ đi về đâu cũng không được thông báo.

Thy Hằng tổng hợp