Ninh Thuận: Cần tập trung vào lợi thế trước để thực hiện quy hoạch

17:43 29/04/2024

Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị “Công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Thuận”, được tổ chức vào ngày 28/4/2024 tại tỉnh Ninh Thuận.

Với chủ đề “Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt”, tại Lễ công bố Quy hoạch, Ninh Thuận muốn giới thiệu đến các nhà đầu tư những thế mạnh của mình, biến cái bất lợi thành lợi thế. Ninh Thuận sẽ trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước và khu vực...

Thủ Tướng Phạm Minh Chính góp ý, xây dựng
Thủ Tướng Phạm Minh Chính quan tâm đến việc phát triển quy hoạch của Ninh Thuận phải tập trung và nên làm theo phân kỳ. Ảnh: Nhật Bắc

Đến tham dự có Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ kế hoạch Đầu tư- Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Giao Thông Vận tải- Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường- Đặng Quốc Khánh… và nhiều lãnh đạo cao cấp từ trung ương đến địa phương, các lãnh sự, hiệp hội cùng hơn 200 doanh nghiệp và các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư- Nguyễn Chí Dũng trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Nhật Bắc

Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt

Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận công bố nội dung cơ bản, cốt lõi của Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt
Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận công bố nội dung cơ bản, cốt lõi của Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ảnh Nhật Bắc

Tại hội nghị, tỉnh Ninh Thuận giới thiệu tổng quan về khát vọng, quyết tâm phát triển, tiềm năng, lợi thế, cơ hội đầu tư, các chính sách ưu đãi đầu tư, danh mục dự án ưu tiên đầu tư; những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và một số sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng, chủ lực, sản phẩm OCOP của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Ninh Thuận là một tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chiến lược quan trọng, là cửa ngõ giao thương quốc tế của khu vực và có điều kiện thuận lợi để liên kết phát triển vùng. Nơi đây có cảng biển nước sâu Cà Ná, có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải đến 300.000 DWT; nằm ở giao điểm của 3 trục giao thông chiến lược là Quốc lộ 1A, Cao tốc Bắc-Nam phía Đông; đường sắt Bắc-Nam và Quốc lộ 27 lên Nam Tây nguyên. Với bờ biển dài 105km, có nhiều lợi thế nổi trội, là vùng nước trồi duy nhất của Việt Nam, địa hình được bao bọc bởi các dãy núi vươn sát ra biển, tạo thành nhiều vịnh, bãi biển đẹp, trong đó vịnh Vĩnh Hy được xếp hạng là danh lam thắng cảnh Quốc gia; vườn Quốc gia Núi Chúa được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển Thế giới; khu du lịch Bình Sơn-Ninh Chữ được quy hoạch đưa vào khu du lịch trọng điểm Quốc gia; đặc sắc văn hóa Chăm với các làng nghề gốm, dệt thổ cẩm cổ nhất Đông Nam Á, trong đó nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO đưa vào Di sản văn hóa phi vật thể của Thế giới… tạo cho Ninh Thuận một thế mạnh riêng để phát triển kinh tế biển, du lịch, đô thị, công nghiệp, năng lượng, logistics…

Ông
Ông Nguyễn Đức Thanh - Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Ảnh Nhật Bắc

Ông Nguyễn Đức Thanh - Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận cho rằng: Quy hoạch tỉnh có vai trò, ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, xác định rõ các mục tiêu và thiết lập tầm nhìn, không gian phát triển của tỉnh trong giai đoạn tới, xác định những mục tiêu lớn. Đến năm 2030, Ninh Thuận trở thành tỉnh có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm trung bình cao của cả nước, phát triển năng động, nhanh và bền vững, với kinh tế biển, kinh tế đô thị là động lực tăng trưởng; phát triển trọng tâm tại khu vực phía Nam tỉnh tạo tiền đề cơ sở hình thành Khu kinh tế ven biển.

Năm 2050 trở thành tỉnh phát triển toàn diện, nhanh và bền vững, có nền kinh tế đa dạng và thịnh vượng, phát triển mạnh về kinh tế biển, với khu kinh tế ven biển hiện đại; hệ thống đô thị ven biển thông minh, bền vững, có bản sắc riêng, thân thiện với môi trường, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; là nơi các giá trị văn hóa, lịch sử, hệ sinh thái biển, rừng được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân đạt mức cao so với các địa phương khác trong cả nước…

TS.
PGS.TS Trần Đình Thiiên nhận định về tiềm năng cơ hội phát triển của Ninh Thuận khi dựa vào yếu tố thiên nhiên. Ảnh: Nhật Bắc

Theo đánh giá của TS. Trần Đình Thiên, bản quy hoạch này khá tươi sáng và khả thi. Ông Thiên cho rằng, tỉnh đã đi đúng hướng tận dụng những cái khó, cái bất lợi như nắng, gió thành lợi thế vô đối. Có thể tạo kỳ tích phát triển. Ông ví von Ninh Thuận có thể “nhìn lên bầu trời và hướng ra đại dương”. Trở thành trung tâm sản xuất năng lượng quốc gia, trung tâm năng lượng tái tạo.

Còn Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính cho rằng, bản quy hoạch này là cơ sở, điều kiện để các nhà đầu tư bám theo, có quy hoạch sẽ đi theo nhanh và phát triển bền vững

Quy hoạch nên tập trung trước vào những thế mạnh của tỉnh

Thủ tướng
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao vào bản quy hoạch của tỉnh Ninh Thuận và kỳ vọng vào sự phát triển của địa phương. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ ra những mặt ưu và nhược của Ninh Thuận, đồng thời đánh giá quy hoạch sát với năng lực của tỉnh nhưng tỉnh nên cần trọng tâm thực hiện không nên dàn trải. Quy hoạch mang tính tổng thể còn thực hiện quy hoạch lại manh tính phân kỳ và chúng ta nên chọn trọng tâm, trọng điểm để dứt quy hoạch, không lan man. Thực hiện quy hoạch phải có tư tưởng chủ động, không trông chờ, ỉ lại quá nhiều vào trung ương, bám sát các chủ trương của Đảng và bám sát các quy hoạch của quốc gia, ngành, vùng, tỉnh, để không thể thực hiện đơn lẻ. Bám sát các yêu cầu thực tiễn, nguyện vọng mong muốn của nhân dân để triển khai.

Thủ tướng ví dụ, nếu tỉnh xác định trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao và trung tâm năng lượng quốc gia thì phải ưu tiên trước. Du lịch dành cho phân khúc cao cấp ở đây phải khác biệt, khác du lịch của Bình Thuận, Khánh Hòa

Là một tỉnh nghèo, nhưng Ninh Thuận cần phát huy tính tự lực, tự cường, không trông chờ và tinh thần là biến không thành có, biến có thành dễ, biến cái không thể thành có thể - Thủ tướng tin tưởng đội ngũ lãnh đạo của Ninh Thuận sẽ đạt được mục tiêu khi tập trung mọi nguồn lực. Mặc dù ở thế khó, khô, khổ nhưng tỉnh vẫn vươn lên tiến kịp đi cùng, Thủ tướng kỳ vọng vào đội ngũ lãnh đạo của Ninh Thuận.

Ông Ảnh minh họa
Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Vietravel  nhìn nhận đánh giá Ninh Thuận rất có tiềm năng phát triển du lịch chất lượng cao. Ảnh: Nhật Bắc

Song song với đó, các nhà đầu tư đánh giá cao về quy hoạch, về định hướng mời gọi đầu tư của Ninh Thuận. Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Vietravel có ý kiến, nếu Ninh Thuận muốn du lịch phát triển cần phải quan tâm cả đường sắt và sân bay. Tỉnh có 154km phát triển rất tốt đường sắt, nhưng Ga Tháp Chàm hiện nay khó kết nối logistics, Bộ Giao thông nên cải tạo ga Tháp Chàm. Vì ba điểm Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa Ninh Thuận sẽ trở thành đơn vị hạt nhân để phát triển du lịch thể thao và sinh thái biển.  Đồng thời Bộ Giao thông phát triển hàng không, biến sân bay Thành Sơn thành sân bay dân dụng sẽ thành tạo liên vùng đi quốc tế.

Ông
Ông Hong Sun - Chủ tịch Hiệp hội Danh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM) tin tưởng vào môi trường đầu tư của Ninh Thuận. Ảnh: Nhật Bắc

Ông Hong Sun - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM) rất tin tưởng vào quy hoạch trọng điểm của Ninh Thuận, ông hứa kêu gọi các công ty Hàn Quốc sang Việt Nam đầu tư vào các ngành năng lượng và năng lượng tái tạo cũng như kéo khách Hàn Quốc du lịch đến Ninh Thuận.

14 Doanh nghiệp đầu tư vào 5 nhóm ngành chính với tổng vốn đầu tư 120.000 tỷ đồng
14 doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài đầu tư vào 5 nhóm ngành chính với tổng vốn đầu tư 120.000 tỷ đồng được Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam,trao giấy chứng nhận đầu tư. Ảnh: Nhật Bắc

Trong dịp này, UBND tỉnh Ninh Thuận đã trao quyết định đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và bản ghi nhớ nghiên cứu phát triển dự án của 14 doanh nghiệp đầu tư vào 5 nhóm ngành quan trọng của tỉnh với tổng vốn dự kiến đầu tư 120.000 tỷ đồng.

Cũng tại hội nghị, tỉnh Ninh Thuận đã tiếp nhận hỗ trợ từ 23 doanh nghiệp, nhà hảo tâm với kinh phí hơn 7 tỷ đồng xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn, góp phần thực hiện phong trào thi đua xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước trong năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phát động.

Kết thúc hội nghị Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận- Nguyễn Đức Thanh mong muốn các nhà đầu tư tin tưởng, lựa chọn Ninh Thuận đến đầu tư. Mong Chính phủ xây dựng các cơ chế chính sách mới phù hợp để xây dựng tỉnh Ninh Thuận phát triển nhanh, bền vững, trở thành nơi thân thiện, đáng sống, điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư và du khách.

Thu Hiền