Trung Quốc lập quỹ thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn

14:51 27/05/2024

Bước đi mới nhất của Bắc Kinh nhằm xây dựng chuỗi cung ứng chất bán dẫn riêng của mình diễn ra trong bối cảnh Mỹ thúc giục các đồng minh thắt chặt hơn nữa các hạn chế đối với việc tiếp cận công nghệ chip của Trung Quốc.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Trung Quốc vừa công bố thành lập quỹ đầu tư bán dẫn lớn nhất từ trước đến nay nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp chip trong nước. Việc thành lập quỹ đầu tư này của Trung Quốc cũng cho thấy quyết tâm của Bắc Kinh trong việc tự chủ công nghệ và củng cố vị thế trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, đồng thời tạo ra áp lực cạnh tranh đáng kể với các siêu cường công nghệ khác

Theo nền tảng trực tuyến Tianyancha, giai đoạn thứ ba của Quỹ Đầu tư Công nghiệp Mạch Tích hợp Quốc gia đã huy động được 344 tỷ nhân dân tệ (47,5 tỷ USD) từ chính quyền trung ương, các ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước, bao gồm cả Ngân hàng Công thương Trung Quốc. Quỹ này được thành lập vào ngày 24 tháng 5.

Cổ đông lớn nhất của quỹ là Bộ Tài chính Trung Quốc. Các công ty đầu tư thuộc sở hữu của chính quyền địa phương ở Thâm Quyến và Bắc Kinh cũng góp vốn vào quỹ. Trước đây, Chính quyền Thâm Quyến đã tài trợ cho một số nhà máy sản xuất chip ở tỉnh Quảng Đông để cung ứng cho Huawei Technologies và giải thoát họ khỏi nhiều năm chịu áp lực từ các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Giới chức Trung Quốc chưa đưa ra bình luận.

Con số 47,5 tỷ USD cao gần gấp đôi so với thông tin rò rỉ hồi tháng 3. Khi đó, nguồn tin giấu tên tiết lộ Trung Quốc đang "huy động nguồn tiền từ chính quyền các địa phương và doanh nghiệp nhà nước", với mục tiêu tích lũy trên 200 tỷ nhân dân tệ (27 tỷ USD) cho ngành bán dẫn nội địa. Khoản đầu tư sẽ được Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc giám sát trực tiếp.

Các cường quốc về chip, dẫn đầu bởi Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), đã rót gần 81 tỷ USD vào sản xuất thế hệ chất bán dẫn tiếp theo, cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc. Trung Quốc cũng là một nước chi tiêu hàng đầu vào ngành chip trong khoảng thập kỷ qua, sử dụng vốn nhà nước để tài trợ cho các nhà sản xuất chip trong nước như Semiconductor Manufacturing International Corp (SMIC). Theo dữ liệu gần đây của Counterpoint Research, SMIC đã trở thành nhà sản xuất chip lớn thứ ba trên thế giới về doanh thu.

Bước đi mới nhất của Bắc Kinh nhằm xây dựng chuỗi cung ứng chất bán dẫn riêng của mình diễn ra trong bối cảnh Mỹ thúc giục các đồng minh, bao gồm Hà Lan, Đức, Hàn Quốc và Nhật Bản thắt chặt hơn nữa các hạn chế đối với việc tiếp cận công nghệ chip của Trung Quốc và bịt kín các lỗ hổng trong kiểm soát xuất khẩu hiện có.

Thông tin về quỹ đầu tư này đã khiến cổ phiếu của các công ty chip lớn của Trung Quốc tăng vọt. SMIC đã tăng tới 5,4% tại Hồng Kông. Hua Hong Semiconductor, một đối thủ nhỏ hơn, tăng hơn 6%.

Phương Anh (t/h)