Điện thoại 2G sắp chính thức bị dừng hoạt động tại Việt Nam

11:33 05/07/2024

Nhằm đảm bảo quá trình chuyển đổi diễn ra suôn sẻ và không ảnh hưởng đến người dùng, Bộ TT&TT cho biết, sẽ phối hợp với các nhà mạng viễn thông triển khai nhiều giải pháp.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Căn cứ Thông tư số 03/2024/TT-BTTTT ngày 30/4/2024 về quy hoạch băng tần 1800 MHz có hiệu lực kể từ ngày 14/6/2024 và Thông tư số 04/2024/TT-BTTTT ngày 10/5/2024 về quy hoạch băng tần 900 MHz cho hệ thống thông tin di động mặt đất công cộng IMT của Việt Nam có hiệu lực kể từ ngày 24/6/2024 tạo sở cứ pháp lý cho lộ trình dừng công nghệ di động cũ và phổ cập điện thoại thông minh, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố lộ trình dừng công nghệ di động 2G tại Việt Nam như sau: hệ thống 2G sẽ ngừng phục vụ các thuê bao sử dụng điện thoại 2G Only từ 16/9/2024 và đến ngày 15/9/2026, hệ thống 2G sẽ chính thức ngừng hoạt động tại Việt Nam.

Nhằm đảm bảo quá trình chuyển đổi diễn ra suôn sẻ và không ảnh hưởng đến người dùng, Bộ TT&TT cho biết, sẽ phối hợp với các nhà mạng viễn thông triển khai nhiều giải pháp.

Các doanh nghiệp sẽ hỗ trợ chi phí mua điện thoại thông minh 4G hoặc điện thoại feature phone 4G và cung cấp các gói cước hỗ trợ cho người dùng đến 16/9. Đồng thời, các doanh nghiệp sẽ ngăn chặn việc nhập mạng các máy điện thoại 2G không đạt chuẩn và phát triển các trạm thu phát sóng di động để đảm bảo vùng phủ sóng 4G thay thế cho 2G.

Nếu nhà mạng không chuyển hết thuê bao 2G lên 4G và 5G theo đúng lộ trình đã đưa ra, Bộ TT&TT sẽ không cấp phép lại sử dụng các băng tần 900MHz/1800MHz, căn cứ Thông tư số 03/2024/TT-BTTTT và Thông tư số 04/2024/TT-BTTTT về quy hoạch các băng tần 900MHz/1800MHz.

Do vậy, Cục Viễn thông đề nghị doanh nghiệp di động cần quyết liệt triển khai mạnh các giải pháp truyền thông, hỗ trợ chuyển đổi để đảm bảo quyền lợi của các thuê bao nói trên, nếu muốn tiếp tục cấp lại các băng tần 900MHz/1800MHz.

Hiện nay, số lượng thuê bao 2G vẫn còn khá lớn. Tính đến tháng 9/2023, có khoảng 15 triệu thuê bao 2G đang hoạt động. Trong vòng 2 tháng tới, các nhà mạng sẽ phải chạy đua để hỗ trợ khách hàng chuyển đổi từ 2G lên 4G và 5G.

Tại Việt Nam, mạng 2G chính thức được triển khai từ năm 1993, tại thời điểm mà 95 - 97% mạng viễn thông thế giới vẫn là analog và các hãng vẫn tiếp tục sản xuất các thiết bị này.

Tuy nhiên, cùng với những yêu cầu của thời đại, quá trình hội nhập kinh tế thế giới, những thành tựu của khoa học công nghệ đã lần lượt phát triển các công nghệ mạng di động mạnh mẽ hơn, tối ưu hơn, đem đến những trải nghiệm tốt hơn cho người dùng, đặc biệt là hỗ trợ mạng Internet thông suốt trên các thiết bị thông minh. Không chỉ áp dụng các thành tựu công nghệ của thế giới trong việc áp dụng sóng 3G, 4G, Việt Nam cũng là một trong những nước đầu tiên nghiên cứu, áp dụng thành công mạng 5G trên thế giới.

Theo nhiều nghiên cứu từ các công ty, nhà mạng trên thế giới, mạng 2G có thủ tục đăng nhập và kết nối đơn giản nên đã được xem là "lỗi thời" và chứa nhiều lỗ hổng vì vậy tội phạm mạng có thể lợi dụng để phát tán tin nhắn rác, tin nhắn giả mạo… đến thiết bị người dùng qua sóng mạng 2G với các trạm BTS giả mạo gây ra không ít thiệt hại đối với người dùng. Bên cạnh đó, về mặt phát triển công nghệ mạng, việc duy trì sóng 2G đang chiếm "chỗ" băng tần vốn có thể được sử dụng cho việc phát triển sóng mạng 5G, 6G… Vì vậy, yêu cầu tắt sóng mạng 2G ngày càng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết để đảm bảo quyền lợi cho cả người dân lẫn doanh nghiệp.

Từ ngày 1/3, Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), cùng các doanh nghiệp viễn thông di động đã triển khai giải pháp kiểm soát, ngăn chặn các máy điện thoại di động chỉ hỗ trợ công nghệ 2G (2G only) không hợp quy kết nối vào mạng viễn thông di động.

Đây được xem là một động thái mạnh tay từ Bộ TT&TT nhằm ngăn chặn điện thoại 2G nhập lậu vào thị trường Việt Nam, hướng tới ngừng hoàn toàn việc hỗ trợ điện thoại 2G trong tương lai gần. Động thái trên cũng nhằm mục đích thúc đẩy người dân dần dịch chuyển qua các thiết bị 4G thế hệ mới.

Trong 2 năm qua, nhà mạng VNPT đã chủ động tắt các trạm riêng lẻ không phát sinh hoặc phát sinh rất ít lưu lượng. Doanh nghiệp đã kết hợp cả hoạt động kỹ thuật cũng như tuyên truyền cho thuê bao trong khu vực và tiến hành tắt sóng khoảng 10% trạm riêng 2G.

Viettel cũng sẵn sàng cho việc tắt 2G. Ông Nguyễn Trọng Tính, Phó Tổng Giám đốc Viettel Telecom cho biết, mục tiêu hết năm 2024, Viettel sẽ dịch chuyển các thuê bao 2G còn lại, và chỉ đến khi nào tỷ lệ này còn dưới 5% thì mới tắt trạm phát sóng được. Viettel cũng sẽ đảm bảo việc phủ sóng 4G lên tất cả khu vực của Viettel, bao gồm vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo.

Trong khi đó, ông Lê Mai Sơn, Phó ban Truyền thông nhà mạng Mobifone, cho rằng, để tiến tới việc tắt sóng 2G hoàn toàn, các nhà mạng cần thực hiện đồng bộ toàn xã hội, cần có sự bắt nhịp từ cơ quan nhà nước và sau đó là các đơn vị viễn thông, báo chí, để đưa kế hoạch này trở thành một chiến dịch để người dân hiểu được đây là một sự nâng cấp, thay vì loại bỏ.

Đức Anh (t/h)