Nhật Bản thông báo chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng đĩa mềm

11:13 05/07/2024

Nhật Bản cuối cùng cũng có thể loại bỏ việc sử dụng đĩa mềm (floppy disk) ra khỏi các cơ quan nhà nước. Đây được coi là cột mốc quan trọng để hiện đại hóa hệ thống hành chính của nước này.

Đĩa mềm từng được sử dụng phổ biến trong các cơ quan nhà nước Nhật Bản. Ảnh: Digital Trends
Đĩa mềm từng được sử dụng phổ biến trong các cơ quan nhà nước Nhật Bản. Ảnh: Digital Trends.

Chính phủ Nhật Bản thông báo chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng đĩa mềm, cột mốc quan trọng trong nỗ lực hiện đại hóa bộ máy hành chính.

"Chúng tôi đã giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lại đĩa mềm vào ngày 28/6", Bộ trưởng Kỹ thuật số Nhật Bản Taro Kono cho biết hôm 3/7.

Cơ quan Kỹ thuật số Nhật Bản tháng trước đã xóa bỏ toàn bộ 1.034 quy định yêu cầu sử dụng đĩa mềm trong Chính phủ, trừ một điều khoản về quản lý hệ thống môi trường liên quan tới tái chế phương tiện giao thông. Đây được coi là cột mốc quan trọng để hiện đại hóa hệ thống hành chính của nước này.

Động thái này đánh dấu cột mốc quan trọng trong nỗ lực của Nhật Bản nhằm hiện đại hóa các hoạt động cũ kỹ khi máy fax vẫn còn phổ biến ở nhiều cơ quan. Một cuộc khảo sát của tổ chức YouGov (Mỹ) năm 2018 cho thấy 2/3 trẻ em  Anh trong độ tuổi 6 đến 18 thậm chí không biết đĩa mềm là gì. Trong video ghi lại phản ứng của trẻ, chúng còn suy đoán rằng đĩa mềm là thứ đến từ bên ngoài trái đất.

Dù Nhật Bản là một cường quốc công nghệ cao, các bộ, ban, ngành lại tụt hậu khá xa, phản ánh rõ nhất trong sự lệ thuộc vào những công nghệ mang phong cách thập niên 80. Máy fax dường như sắp chịu chung số phận với đĩa mềm và con dấu cá nhân (hay còn gọi là “hanko”) dùng để thay thế chữ ký trong cả lĩnh vực công và tư nhân.

Tháng 12/2023, các quan chức Bộ Giáo dục đồng ý cấm máy fax trong các trường học và số hóa việc liên lạc từ năm 2026.

Nỗ lực số hóa của Nhật Bản hiện nay cũng vẫn còn nhiều trở ngại. Chính phủ đã thất bại trong việc triển khai một ứng dụng theo dõi tiếp xúc thời đại dịch và hiện chậm tiến độ liên quan đến Hệ thống Định danh (ID) quốc gia “My Number” do liên tiếp gặp sai sót.

Đĩa mềm ra đời từ những năm 1960 nhưng đã bị "khai tử" nhiều năm và thay bằng các giải pháp lưu trữ hiệu quả hơn. Theo thống kê, phải cần tới 20.000 đĩa mềm mới tương đương một thẻ nhớ 32 GB. Tuy nhiên, dù là cường quốc công nghệ, nhiều hệ thống chính phủ tại Nhật Bản vẫn sử dụng đĩa mềm để lưu trữ. Theo giới chuyên gia, có nhiều nguyên nhân khiến quốc gia này trung thành với đĩa mềm, như tư tưởng bảo thủ, không chịu chuyển đổi trước công nghệ mới.

Không chỉ tại Nhật Bản, đĩa mềm từng được sử dụng trong các hệ thống quân sự trước khi bị loại bỏ. Năm 2016, Văn phòng Kế toán Chính phủ Mỹ (GAO) cho biết, Bộ Quốc phòng nước này vẫn sử dụng đĩa mềm trong một hệ thống hạt nhân quốc gia. Những chiếc máy tính IBM Series 1 lần đầu tiên được giới thiệu năm 1976 với ổ đĩa mềm 8 inch tiếp tục được dùng trong hàng chục năm qua.

Đức Anh (T/h)