Vụ án Ethanol Phú Thọ: Tòa tuyên án!

04:56 16/03/2021

Tính đến ngày nhận chuyển nhượng lô đất 3.400m2 từ bị cáo Đỗ Văn Hồng, Công ty Mai Phương... vừa được "2 ngày tuổi", chưa có bất cứ một hoạt động sản xuất kinh doanh nào.

Án tù và những mức bồi thường tiền tỷ

HĐXX nhận định bị cáo Đinh La Thăng có vai trò chính trong thực hiện tội phạm, có trách nhiệm chính, xuyên suốt về lựa chọn nhà thầu, đánh giá năng lực nhà thầu, đưa ra chủ trương chỉ định thầu; tiếp theo là vai trò của bị cáo Trịnh Xuân Thanh, cựu Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP xây lắp dầu khí (PVC) và Vũ Thanh Hà (cựu Tổng Giám đốc PVB).

Tòa án nhân dân TP. Hà Nội  tuyên án các bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm trong vụ án xảy ra tại Dự án Ethanol Phú Thọ

Tòa án nhân dân TP. Hà Nội tuyên án các bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm trong vụ án xảy ra tại Dự án Ethanol Phú Thọ. (Ảnh: chụp qua màn hình)

Các bị cáo còn lại được HĐXX cho là nhân viên dưới quyền, biết việc chỉ định thầu và ký hợp đồng trao gói thầu cho liên danh nhà thầu PVC/Alfa Laval/Delta T, là sai pháp luật, nhưng do không dám làm trái ý lãnh đạo nên vẫn thực hiện, mỗi bị cáo chịu trách nhiệm về một khâu. Các bị cáo không tư lợi cá nhân, đều mong dự án được thực hiện thành công là một điểm để xem xét giảm nhẹ trách nhiệm. Tuy nhiên, về trách nhiệm dân sự, các bị cáo vẫn bị tòa tuyên phải bồi thường 543 tỉ đồng cho PVB.

Liên đới chịu trách nhiệm về số tiền này còn có cựu Phó Tổng Giám đốc PVN Vũ Quang Nam và cựu Tổng Giám đốc PVN Trần Ngọc Cảnh, những người đã không bị xem xét trách nhiệm hình sự trong vụ án này do bệnh hiểm nghèo.

Các bị cáo gồm Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và Vũ Thanh Hà phải bồi thường 81,5% tổng thiệt hại, tương đương trên 443 tỉ đồng, trong đó bị cáo Thăng phải bồi thường 36,8% - tương đương 200 tỉ đồng; bị cáo Thanh phải bồi thường 143 tỉ đồng và Vũ Thanh Hà phải bồi thường 100 tỉ đồng.

Các bị cáo gồm Trần Thị Bình - cựu Phó Tổng Giám đốc PVN; Phạm Xuân Diệu - cựu Tổng Giám đốc PVC; Nguyễn Ngọc Dũng - cựu Phó Tổng Giám đốc PVC; Đỗ Văn Quang - cựu Trưởng ban Kinh tế kế hoạch PVC; Nguyễn Xuân Thủy - cựu Phó phòng Đầu tư dự án PVB; Khương Anh Tuấn - cựu Phó phòng Thương mại PVB; Lê Thanh Thái - cựu Trưởng phòng Kinh doanh PVB; Hoàng Đình Tâm, cựu Kế toán trưởng PVB và Vũ Quang Nam, Trần Ngọc Hà, nguyên Tổ phó tổ chuyên gia giúp việc đấu thầu, phụ trách lập hồ sơ yêu cầu, chịu trách nhiệm bồi thường mỗi người 10 tỉ đồng (tổng cộng 100 tỉ đồng).

Về trách nhiệm hình sự, bị cáo Đinh La Thăng bị tuyên mức án 11 năm tù; tổng hợp hình phạt của các bản án trước, buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung là 30 năm tù. Bị cáo Trịnh Xuân Thanh bị tuyên 10 năm tù về tội vi phạm các quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, 8 năm về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn; tổng hợp 2 mức án là 18 năm tù. Tổng hợp với các bản án trước, buộc bị cáo chấp hành hình phạt chung là chung thân.

HĐXX cũng tuyên bị cáo Vũ Thanh Hà mức án 6 năm 6 tháng tù; Phạm Xuân Diệu 3 năm 6 tháng tù; Nguyễn Ngọc Dũng 3 năm tù; Trần Thị Bình 36 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 60 tháng, là bị cáo duy nhất trong vụ án được hưởng án treo; Đỗ Văn Quang 28 tháng tù; Nguyễn Xuân Thủy, Khương Anh Tuấn, Hoàng Đình Tâm cùng mức án 30 tháng tù; Lê Thanh Thái 24 tháng tù; Đỗ Văn Hồng 4 năm tù, tổng hợp cả bản án trước, hình phạt chung là 17 năm tù.

Tuyên trả lại cho PVC quyền sử dụng lô đất 3.400m2

Liên quan đến lô đất 3.400m2 tại thị trấn Tam Đảo (huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc), cáo trạng nêu rõ, vì muốn sở hữu lô đất này, năm 2009, Trịnh Xuân Thanh đã chỉ đạo tạm ứng sai quy định cho PVC Kinh Bắc (doanh nghiệp do Trịnh Xuân Thanh và Đỗ Văn Hồng - Giám đốc Công ty TNHH xây dựng Đào Viên, lập ra để thực hiện 1 hợp đồng tại dự án Polyester Đình Vũ - cũng là một đại dự án “đắp chiếu” khác do PVC thực hiện) 25 tỉ đồng để PVC Kinh Bắc mua lô đất này.

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh bị tuyên tổng cộng 18 năm tù trong vụ án này

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh bị tuyên tổng cộng 18 năm tù trong vụ án Ethanol Phú Thọ. (Ảnh: TTXVN)

Sau đó, để hợp thức hóa, Trịnh Xuân Thanh chỉ đạo làm thủ tục chuyển số tiền này thành tiền góp vốn của PVC tại PVC Kinh Bắc và yêu cầu Đỗ Văn Hồng chuyển nhượng quyền sử dụng lô đất cho mình. Để nhận quyền chuyển nhượng, Trịnh Xuân Thanh lập ra Công ty Mai Phương (nhờ bố đẻ là ông Trịnh Xuân Giới đứng tên chủ sở hữu, người đại diện theo pháp luật). Công ty này sau đó được chuyển nhượng cho bà Trần Dương Nga (là vợ của Trịnh Xuân Thanh). Năm 2016, bà Nga tiếp tục thực hiện việc chuyển nhượng cho Kiều Đào Lâm (trú tại P.Liên Bảo, TP.Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) với giá 45 tỉ đồng, bao gồm cả khu đất 3.400m2 ở Tam Đảo. Trong vụ việc này, Trịnh Xuân Thanh còn lợi dụng chức vụ là Chủ tịch PVC, có sự chi phối ảnh hưởng đến hoạt động của PVC Kinh Bắc, nên chỉ trả PVC Kinh Bắc 20,8 tỉ đồng, còn 3 tỉ đồng không trả. Tháng 12/2019, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, đã ra quyết định tạm giữ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của khu đất trên.

Buổi tuyên án kéo dài trong chiều ngày 15/3, Hội đồng xét xử (HĐXX) vụ án Ethanol Phú Thọ đã tuyên án đối với hai bị cáo là Trịnh Xuân Thanh - nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần xây lắp dầu khí (PVC) và Đỗ Văn Hồng - nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và xây lắp Dầu khí Kinh Bắc (PVC Kinh Bắc).

Hai bị cáo này cùng bị kết án về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ” trong việc ứng tiền trái pháp luật 25 tỉ đồng của PVC cho PVC Kinh Bắc để mua lô đất 3.400m2 tại thị trấn Tam Đảo (huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc).

Trước đó, các bị cáo Trịnh Xuân Thanh và Đỗ Văn Hồng khai không có thoả thuận, bàn bạc trong chuyển tiền tạm ứng vượt quá Hợp đồng 73 (thực hiện hạng mục của dự án Polyester Đình Vũ) để mua đất tại Tam Đảo. Thế nhưng HĐXX khẳng định trong quá trình điều tra, bị cáo Hồng đã khai có bàn bạc với bị cáo Thanh về việc mua đất ở Tam Đảo, đã dẫn bị cáo Thanh đi xem đất.

Lời khai này đồng thời phù hợp với lời khai của một số cá nhân khác có liên quan như cựu Tổng Giám đốc PVC Vũ Đức Thuận, cựu Phó Tổng Giám đốc PVC Nguyễn Mạnh Tiến và ông Trịnh Xuân Giới (bố bị cáo Thanh). Ông Trịnh Xuân Giới cho biết, chỉ giúp đứng tên Công ty Mai Phương cho vợ chồng Trịnh Xuân Thanh.

Đáng chú ý, tính đến ngày nhận chuyển nhượng lô đất 3.400m2 từ bị cáo Đỗ Văn Hồng, Công ty Mai Phương... vừa được "2 ngày tuổi", chưa có bất cứ một hoạt động sản xuất kinh doanh nào.

Về tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”, HĐXX cáo buộc bị cáo Trịnh Xuân Thanh chịu trách nhiệm chính; bị cáo Hồng là người thực hành, giữ vai trò đồng phạm, giúp sức, nhưng không được hưởng gì về vật chất, nên trách nhiệm thấp hơn.

HĐXX tuyên phạt Trịnh Xuân Thanh 8 năm tù (cộng với 10 năm tù về tội vi phạm các quy định về xây dựng công trình gây hậu quả nghiêm trọng, tổng hình phạt là 18 năm); Đỗ Văn Hồng 4 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”.

Đồng thời, HĐXX tuyên trả lại cho PVC quyền sử dụng 3.400m2 tại thị trấn Tam Đảo. PVC cần liên hệ với cơ quan có thẩm quyền để nhận quyền sử dụng đất. PVC Kinh Bắc cũng cần trả cho PVC 1,2 tỉ đồng (khoản chênh lệch giữa số tiền 25 tỉ đồng được PVC tạm ứng với số tiền mua lô đất ban đầu).

HĐXX không buộc bị cáo Trịnh Xuân Thanh phải bồi thường cho PVC, nhưng buộc bị cáo này phải nộp 3 tỉ đồng bị cáo chiếm dụng của PVC Kinh Bắc, sung quỹ Nhà nước.

Liên quan đến việc chuyển nhượng lô đất giữa các bên (vợ Trịnh Xuân Thanh đã bán lô đất cho người khác), HĐXX không xem xét. Trường hợp các bên có tranh chấp, có thể khởi kiện một vụ án dân sự khác.

Trần Linh