Doanh nghiệp cần biết: Thủ tục khôi phục mã số thuế

10:02 15/03/2021

Khôi phục mã số thuế là việc chuyển trạng thái mã số thuế từ trạng thái "ngừng hoạt động" trở về trạng thái "Người nộp thuế đang hoạt động".

Mã số thuế doanh nghiệp hay mã số thuế công ty là mã số thuế được Cơ quan Tthuế cấp cho các tổ chức là công ty, doanh nghiệp khi thực hiện nghĩa vụ thuế.

Mỗi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp chỉ được cấp một MST duy nhất và sử dụng cho suốt quá trình hoạt động từ khi đăng ký đến khi không còn tồn tại

Mỗi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp chỉ được cấp một MST duy nhất và sử dụng cho suốt quá trình hoạt động từ khi đăng ký đến khi không còn tồn tại. (Ảnh: minh họa)

Nguyên tắc cấp mã số thuế

Mỗi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp chỉ được cấp một MST duy nhất và sử dụng cho suốt quá trình hoạt động từ khi đăng ký đến khi không còn tồn tại.

Để được cấp mã số thuế, người nộp thuế thực hiện đăng ký thuế theo Chương II Luật quản lý thuế 2019.

Ngoài ra, mã số thuế cấp cho người nộp thuế cần tuân theo những nguyên tắc sau: Mã số thuế đã cấp không được phép cấp lại cho người nộp thuế khác; Các tổ chức sau khi chuyển đổi loại hình, bán, tặng, cho, thừa kế vẫn giữ nguyên mã số thuế; Mã số thuế 10 chữ số được cấp cho các đơn vị độc lập (bao gồm các tổ chức, doanh nghiệp có đầy đủ tư cách pháp nhân và tự chịu trách nhiệm về nghĩa vụ của mình trước pháp luật) và đại diện hộ kinh doanh, cá nhân khác (quy định tại Khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 2 Thông tư 95/2016/TT-BTC, trừ các trường hợp quy định tại khoản 3, Điều 5 cùng Thông tư trên).

Mã số thuế 13 chữ số được cấp cho: Các chi nhánh, văn phòng đại diện của tổ chức, doanh nghiệp, các đơn vị phụ thuộc của tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của pháp luật và có phát sinh nghĩa vụ thuế; Nhà thầu, chủ đầu thư tham gia hợp đồng, hiệp định dầu khí. Trong đó, Công ty mẹ là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đại diện chủ nhà nhận phần lãi được chia từ hợp đồng, hiệp định dầu khí; Các địa điểm kinh doanh của hộ gia đình, cá nhân trong trường hợp các địa điểm này khác xã nhưng cùng huyện.

Việc khôi phục mã số thuế thường được gọi là "mở mã số thuế". Tạp chí Doanhnghiephoinhap.vn giới thiệu với quý độc giả, doanh nghiệp cách thức xử lý để khôi phục mã số thuế đối với doanh nghiệp bị đóng mã số thuế.

Khôi phục mã số thuế

Các trường hợp được xin mở lại mã số thuế bị đóng: Theo khoản 1, điều 20 Thông tư 95/2016/TT-BTC về đăng ký thuế, các trường hợp được xin khôi phục mã số thuế gồm có:

Tổ chức bị Cơ quan Thuế có thẩm quyền thu hồi Giấy phép, đã chấm dứt hiệu lực mã số thuế theo quy định nhưng sau đó Cơ quan Thuế có thẩm quyền ban hành văn bản hủy bỏ văn bản thu hồi Giấy phép;

Tổ chức/cá nhân đang ở tình trạng Cơ quan Thuế đã ban hành Thông báo người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký nhưng Cơ quan Thuế chưa ban hành Quyết định thu hồi Giấy chứng nhận; cơ quan quản lý khác chưa ban hành văn bản thu hồi Giấy phép.

Tổ chức/cá nhân đã có hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế gửi đến Cơ quan Thuế nhưng Cơ quan Thuế chưa ban hành Thông báo người nọp thuế chấm dứt hiệu lực mã số thuế;

Do lỗi của Cơ quan Thuế, người nộp thuế không thuộc trường hợp phải chấm dứt hiệu lực mã số thuế.

Thủ tục khôi phục mã số thuế doanh nghiệp

Đối với trường hợp người nộp thuế đề nghị khôi phục mã số thuế do cơ quan có thẩm quyền có văn bản hủy bỏ văn bản thu hồi Giấy phép và trường hợp người nộp thuế không thuộc trường hợp phải chấm dứt hiệu lực mã số thuế do lỗi của cơ quan thuế:

Bước 1: Nộp hồ sơ đề nghị khôi phục mã số thuế. Văn bản đề nghị khôi phục mã số thuế (Mẫu 25/ĐK-TCT ban hành kèm theo thông tư 95/2016/TT-BTC);
Bản photo văn bản hủy bỏ văn bản thu hồi Giấy phép (đối với trường hợp NNT đề nghị khôi phục mã số thuế do cơ quan có thẩm quyền có văn bản hủy bỏ văn bản thu hồi Giấy phép);

Bước 2: Nhận kết quả

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày Cơ quan Thuế nhận được hồ sơ đề nghị khôi phục mã số thuế, cơ quan thuế lập: Thông báo khôi phục mã số thuế mẫu số 19/TB-ĐKT ban hành kèm theo Thông tư này, gửi người nộp thuế; In lại Giấy chứng nhận đăng ký thuế hoặc Thông báo mã số thuế cho người nộp thuế trong trường hợp người nộp thuế đã nộp bản gốc cho cơ quan thuế theo hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế.

Mã số thuế của người nộp thuế sẽ được khôi phục trên hệ thống ngay trong ngày làm việc hoặc chậm nhất là đầu giờ ngày làm việc tiếp theo kể từ ngày ban hành Thông báo khôi phục mã số thuế.

Đối với trường hợp người nộp thuế không hoạt động tại trụ sở

Bước 1: Nộp hồ sơ khôi phục mã số thuế. Hồ sơ gồm: Văn bản đề nghị khôi phục mã số thuế (Mẫu 25/ĐK-TCT ban hành kèm theo thông tư 95/2016/TT-BTC)

Bước 2: Nộp các hồ sơ kê khai còn thiếu, số tiền còn nợ (nếu có), Cơ quan Thuế xác minh trụ sở.

Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày Cơ quan Thuế nhận được hồ sơ đề nghị khôi phục mã số thuế: Cơ quan Thuế lập danh sách các hồ sơ kê khai còn thiếu, tình hình sử dụng hóa đơn, số tiền thuế còn nợ, số tiền chậm nộp (nếu có); thực hiện xử phạt đối với các hành vi vi phạm;

Cơ quan Thuế xuống trụ sở để xác minh và lập Biên bản xác minh tình trạng hoạt động của người nộp thuế (người nộp thuế phải ký xác nhận vào Biên bản);

Người nộp thuế phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế, yêu cầu của Cơ quan Thuế theo quy định pháp luật.

Bước 3. Lấy kết quả:

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày người nộp thuế chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ, Cơ quan Thuế lập Thông báo khôi phục mã số thuế mẫu 19/TB-ĐKT (mẫu ban hành kèm theo thông tư 95/2016/TT-BTC), gửi người nộp thuế chậm nhất là đầu giờ ngày làm việc tiếp theo kể từ ngày ban hành Thông báo, đồng thời thực hiện cập nhật trạng thái mã số thuế của người nộp thuế trên Hệ thống ứng dụng đăng ký thuế; In lại Giấy chứng nhận đăng ký thuế/Thông báo mã số thuế cho người nộp thuế trong trường hợp người nộp thuế đã nộp bản gốc cho Cơ quan Thuế theo hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế.

Đối với trường hợp người nộp thuế đã nộp hồ sơ xin đóng mã số thuế nhưng Cơ quan Thuế chưa ban hành Thông báo người nộp thuế chấm dứt hiệu lực mã số thuế: Các bước thực hiện trường hợp này giống trường hợp 2, tuy nhiên không phải xác minh trụ sở.

Lưu ý khi sử dụng mã số thuế

Các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp cần phải lưu ý một số vấn đề sau khi sử dụng mã số thuế, cụ thể: Nghiêm cấm việc sử dụng mã số thuế của người nộp thuế khác; Cần ghi mã số thuế vào hóa đơn, chứng từ, các tài liệu khi thực hiện giao dịch kinh doanh, các giao dịch về thuế (kê khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế…), mở tài khoản gửi tiền ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng; Chuyển qua địa điểm khác vì hết hạn văn phòng cũng phải thông báo cho Cơ quan thuế để có thể quản lý và nắm bắt tình hình hoạt động và không khóa mã số thuế; Các trường hợp bị khóa mã số thuế: Bỏ địa điểm kinh doanh, nợ thuế quá nhiều hoặc quá lâu không nộp, không nộp tờ khai thuế quá lâu.

Với các trường hợp bị khóa mã số thuế sẽ không thể đăng nhập để nộp tờ khai thuế qua mạng.

H. An