Tỉnh Đồng Nai: Thực hiện quyết liệt hơn trong Chương trình OCOP

09:52 10/04/2021

Chiều ngày 08/04, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi chủ trì cuộc họp liên quan tới việc tìm ra mục tiêu chung trong Đề án “Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh Đồng Nai ” (gọi tắt là Chương trình OCOP ) giai đoạn 2021 – 2025.

Sau cuộc họp, lãnh đạo địa phương đã xác định mục tiêu thực hiện Chương trình chính là tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, có thương hiệu mang tính đặc trưng lợi thế của mỗi vùng, mỗi xã, đáp ứng cho tiêu dùng trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu. 

Chương trình OCOP đã nâng cao giá trị cho các loại nông sản, góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế của các địa phương – Nguồn: Internet

Bên cạnh mục tiêu trên, UBND tỉnh cũng đã nhấn mạnh trong giai đoạn 2021-2025, Đồng Nai sẽ tiếp tục phát huy tính sáng tạo, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh của người dân, xây dựng mối liên kết phát triển kinh tế cộng đồng bền vững góp phần thực hiện nội dung thứ 3 của Chương trình xây dựng nông thôn mới là “tổ chức tiêu thụ sản phẩm cho nông dân”. Với con số dự kiến tỉnh nhà sẽ đạt được trong giai đoạn 2021-2025 chính là 120 sản phẩm trở lên đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, 5 sản phẩm trở lên đạt tiêu chí 5 sao cấp quốc gia; phát triển khoảng 30 sản phẩm mới đạt từ 3 sao trở lên (tập trung vào đa dạng hóa, chế biến sâu các sản phẩm theo chuỗi sản phẩm chủ lực cấp huyện, tỉnh và các sản phẩm thế mạnh khác)...

Trong buổi họp, đại diện các sở ngành, địa phương cũng đã đưa ra những vướng mắc, khó khăn trong thực hiện chương trình OCOP những năm qua. Với những vấn đề bất cập phải kể đến chính là về nhân sự, kinh phí, tuyên truyền để người dân, các chủ thể nâng cao kiến thức, sự hiểu biết và trách nhiệm các bên trong quá trình xây dựng sản phẩm OCOP

Sau khi lắng nghe ý kiến của chính quyền, lãnh đạo địa phương, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cũng đã đề nghị các địa phương phải có kế hoạch cụ thể để phát triển sản phẩm OCOP theo kế hoạch từng năm, có lộ trình nâng cấp các sản phẩm đã đạt 3 sao lên 4 sao và 5 sao; khai thác hết lợi thế của những sản phẩm tiềm năng, có giá trị cao cho địa phương. Các địa phương, đơn vị cần tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm OCOP cũng như đẩy mạnh tuyên truyền về các sản phẩm OCOP, đặc biệt nâng cao năng lực, hỗ trợ tối đa cho nông dân tham gia, thực hiện chương trình OCOP khi số lượng các sản phẩm phát triển nhiều hơn trong thời gian tới.

P.V