Gạo Việt Nam "chiều lòng" các thị trường khó tính, xuất khẩu dự báo tích cực

10:48 08/05/2024

Việc đầu tư vào cơ cấu giống chất lượng cao đã giúp Việt Nam chiếm lĩnh lòng tin từ các doanh nghiệp xuất khẩu và khẳng định vị thế của mình trên thị trường quốc tế.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển đầy tích cực và ấn tượng, đặc biệt là trong quý I/2024. Với hơn 2,2 triệu tấn gạo được xuất khẩu, đem về tổng trị giá 1,4 tỷ USD, ngành nông nghiệp của đất nước đã chứng minh sức mạnh và tiềm năng lớn trong thị trường quốc tế.

Sự tăng trưởng ấn tượng này không chỉ là kết quả của việc tận dụng các Hiệp định thương mại tự do mới mà còn là sản phẩm của sự chú trọng vào chất lượng và tiêu chuẩn của sản phẩm gạo Việt Nam. Đặc biệt, việc đầu tư vào cơ cấu giống chất lượng cao đã giúp Việt Nam chiếm lĩnh lòng tin từ các doanh nghiệp xuất khẩu và khẳng định vị thế của mình trên thị trường quốc tế.

Gạo Việt Nam
Gạo Việt Nam "chiều lòng" các thị trường khó tính, xuất khẩu dự báo tích cực.

Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ cấu giống và xuất khẩu gạo của Việt Nam có trên 80% giống chất lượng cao, đặc sản đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp xuất khẩu. Là vùng sản xuất lúa gạo trong điểm của các nước nên việc linh hoạt rải vụ sản xuất ở vùng ĐBSCL thời gian qua đã giải tỏa áp lực thu hoạch, thu mua cho người dân, doanh nghiệp, điều này đã chứng minh qua các mùa vụ khi sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu lúa gạo đã gắn kết chặt chẽ với nhau.

Phó Cục trưởng Cục trồng trọt Lê Thanh Tùng cho rằng, sản xuất lúa gạo của Việt Nam không chỉ quan tâm đến vấn đề xuất khẩu mà còn đảm nhận vấn đề an ninh lương thực quốc gia. Hiện nay, sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL đang tập trung theo các quy trình canh tác bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, sản xuất theo hướng đạt chuẩn để đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng gạo hàng hóa xuất khẩu chủ yếu tập trung ở vùng ĐBSCL, tổng lượng gạo hàng hóa cho xuất khẩu tại năm 2024 ở các tỉnh vùng ĐBSCL ước đạt khoảng 7,6 triệu tấn. Trong đó nhóm gạo chất lượng cao khoảng 3,2 triệu tấn; nhóm gạo thơm, đặc sản đạt 2,5 triệu tấn; nhóm gạo chất lượng trung bình đạt 1,15 triệu tấn và nhóm nếp đạt 0,75 triệu tấn. Thực tế như vậy nhưng trước vấn đề xâm nhập mặn đang diễn ra tại Đồng bằng sông Cửu Long dự báo có khả năng ảnh hưởng đến sản xuất lúa, gạo ngành nông nghiệp đang triển khai những giải pháp, phương án tối ưu để đảm bảo sản xuất an toàn.

Theo dự báo, nguồn cung gạo toàn cầu giảm do một số quốc gia vẫn hạn chế xuất khẩu gạo và tình hình thời tiết khắc nghiệt khi mưa lũ, thiên tai, nắng hạn đã làm giảm nguồn cung lúa gạo. Vì vậy, xuất khẩu gạo của Việt Nam được dự báo sẽ khởi sắc và tiếp cận thêm nhiều thị trường trong thời gian tới.

P.V (t/h)