ĐẮK LẮK: Thu hút 14 dự án đầu tư vào lĩnh vực chế biến cà phê

00:00 12/10/2020

DNHN: Tỉnh Đắk Lắk hiện có 6.251 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 49 doanh nghiệp Nhà nước, 6.195 doanh nghiệp dân doanh và 7 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Riêng trong lĩnh vực chế biến cà phê, các doanh nghiệp đã đầu tư vào Đắk Lắk 14 dự án, với với tổng số vốn đầu tư gần 2.923 tỷ đồng, trong đó có 10 dự án đã đi vào hoạt động và 4 dự án đang trong quá trính xây dựng.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ và các đại biểu cấp cao ViỆt Nam, Trung Quốc thăm gian hàng cà phê An Thái tại Hội chợ, triển lãm Trung Quốc - ASEAN lần thứ 13 năm 2016. Trong số 14 dự án đầu tư vào lĩnh vực chế biến cà phê tại Đắk Lắk, có 4 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng số vốn 1.462,9 tỷ đồng, bao gồm: Dự án Liên doanh chế biến cà phê nhân xuất khẩu DakMan - Buôn Ma Thuột của Công ty TNHH Dakman Việt Nam, tổng vốn đầu tư 117,4 tỷ đồng; Dự án Nhà máy chế biến cà phê, hạt điều, hồ tiêu và các loại nông sản khác của Công ty TNHH Olam, tổng vốn đầu tư 17,54 tỷ đồng; Dự án Chế biến xuất khẩu cà phê nhân của Công ty TNHH Cà phê Hà Lan Việt Nam, tổng vốn đầu tư 53 tỷ đồng và Dự án Nhà máy chế biến cà phê hòa tan “Cà phê Ngon” của Công ty TNHH Cà phê Ngon (Ấn Độ), tổng vốn đầu tư 1.275 tỷ đồng. Ngoài ra, trong số 10 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đầu tư 1.460,45 tỷ đồng, hiện đã có 5 dự án đi vào hoạt động và 05 dự án đang trong quá trình triển khai xây dựng. Các dự án đầu tư trong nước vào lĩnh vực chế biến cà phê đang vào hoạt động đạt hiệu quả tại địa bàn Đắk Lắk có Dự án nhà máy chế biến cà phê hòa tan của Công ty cà phê An Thái tại Khu công nghiệp Hòa Phú, công suất thiết kế 936 tấn/năm, tổng vốn đầu tư khoảng 45 tỷ đồng. Hiện tại, nhà máy đã và đang trong quá trình đầu tư, nâng cấp giai đoạn 2 và đang hoạt động với công suất 2.000 tấn sản phẩm/năm. Dự án Nhà máy chế biến cà phê, nông sản xuất khẩu, cà phê bột của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Intimex tại Cụm Công nghiệp Tân An, với công suất 34.500 tấn/năm, vốn đầu tư 30,8 tỷ đồng; Dự án Khu liên hiệp chế biến cà phê, nông sản, kho chứa tại Khu công nghiệp Hoà Phú của Công ty TNHH MTV XNK 2/9 Đắk Lắk với vốn đầu tư 13 tỷ đồng … Theo đánh giá của UBND tỉnh Đắk Lắk, hiện các dự án đầu tư vào lĩnh vực chế biến cà phê chất lượng cao trên địa bàn tỉnh chưa nhiều. Ngoài một số doanh nghiệp có uy tín và thương hiệu trên thị trường, như: Trung Nguyên, An Thái, Mêhycô … thì phần lớn các dự án còn ở quy mô nhỏ, thiết bị thủ công, thiếu đồng bộ. Các dự án đầu tư chế biến sâu, chủ yếu là cà phê rang xay và cà phê hòa tan xuất khẩu mới chiếm khoảng 2,3% trong tổng số lượng cà phê xuất khẩu. Đắk Lắk hiện có hơn 200.000 ha cà phê và hơn 80% người dân sống nhờ cây cà phê, là tỉnh có diện tích cà phê nhiều nhất nước, sản lượng hàng năm đạt trên dưới 450.000 tấn nhân. 90% diện tích cà phê trồng trên địa bàn tỉnh là do nông dân trồng, chăm sóc và quản lý. Hai phương pháp thường được áp dụng để chế biến cà phê sau khi thu hoạch nhằm thu được cà phê nhân co chất lượng cao, đó là chế biến ướt và chế biến khô. Tuy nhiên, hiện nay, người trồng cà phê vẫn thường sử dụng phương pháp phơi quả cà phê trên sân đất, trên sân xi măng, hoặc trên bạt để chế biến ra cà phê nhân. Điều này làm ảnh hưởng không tốt đến chất lượng sản phẩm cà phê. Trong khi đó, số doanh nghiệp trong tỉnh có khả năng chế biến cà phê chất lượng cao vẫn còn hạn chế. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho giá sản phẩm cà phê xuất khẩu còn thấp, gây thiệt hại cho người sản xuất cà phê. Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk đã cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, đơn giản hóa thủ tục hành chính để hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh. Về chính sách ưu đãi đầu tư, tỉnh cũng áp dụng ở mức tốt nhất tạo điều kiện cho các nhà đầu tư thuê đất, cấp đất, miễn, giảm, miễn thuế…. nhằm thu hút ngày càng nhiều các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào địa bàn tỉnh, trong đó có lĩnh vực chế biến cà phê. Mới đây, UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đã triển khai Quyết định số 32/2006, ngày 7/10/2016 của UBND tỉnh quy định về trình tự và cơ chế phối hợp giải quyết thủ tục đầu tư dự án có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh. So với Quyết định 48 trước đây, Quyết định 32 có những điểm mới, như: đã quy định trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan, cách thức phối hợp của các cơ quan có liên quan trong quá trình triển khai dự án, góp phần cải cách thủ tục hành chính trong quá trình giải quyết các thủ tục đầu tư; tạo thuận lợi cho nhà đầu tư trong việc tìm hiểu thông tin và triển khai thực hiện dự án; phân cấp tối đa trong việc tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất trên cơ sở quy định của Luật Đấu thầu và Nghị định 30 của Chính phủ; quy định rõ về hình thức lựa chọn nhà đầu tư, đảm bảo minh bạch theo đúng quy định pháp luật hiện hành./. (Nguyễn Hiếu)