Thương hiệu giày Trung Quốc vượt qua cả Nike và Adidas tại thị trường nội địa

16:52 27/12/2023

Mặc dù Nike và Adidas là hai thương hiệu quốc tế nổi tiếng nhưng đang gặp phải nhiều thách thức khi cạnh tranh với các đối thủ đến từ Trung Quốc như Anta và Li-Ning trên thị trường nội địa của đất nước này.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Trong năm 2022, thương hiệu giày thể thao nổi tiếng Nike ghi nhận sự suy giảm đáng kể trong doanh số bán hàng hàng quý tại Trung Quốc, với mức giảm lên đến 24% trong quý 2/2022. Trong khi đó, các đối thủ cạnh tranh như Li-Ning và Anta đã đạt được mức tăng trưởng từ 15% trở lên. Theo thông tin từ Zacks Equity Research, giá cổ phiếu của Nike đã giảm 10,85% trong tháng 6 đến ngày 13/6.

Các chuyên gia tài chính ở Trung Quốc đang khuyến cáo nhà đầu tư tránh đầu tư vào cổ phiếu của Nike do lo ngại về khả năng thương hiệu này gặp khó khăn trong việc đạt được mục tiêu tăng trưởng doanh số dài hạn. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ sự phản đối của người tiêu dùng nội địa đối với các thương hiệu phương Tây, trong đó có Nike. Đặc biệt, tình hình trở nên căng thẳng khi Nike chính thức phản đối việc sử dụng bông sản xuất tại Tân Cương vào tháng 3/2021. Ngoài ra, doanh nghiệp có trụ sở tại Mỹ cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gia tăng từ nhiều thương hiệu nội địa Trung Quốc.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Trong năm 2021, các quốc gia phương Tây đã đưa ra cáo buộc về việc Trung Quốc áp đặt lao động Duy Ngô Nhĩ trong các cánh đồng bông ở Tân Cương và giữ họ trong các "trại cải tạo" tại khu vực này. Trung Quốc đã liên tục phủ nhận những cáo buộc này, khẳng định rằng các trại này chỉ là những nơi đào tạo nghề và là biện pháp cần thiết để chống lại chủ nghĩa cực đoan. Do những thông tin này, nhiều công ty phương Tây đã đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ và tẩy chay từ phía người tiêu dùng Trung Quốc do họ phản đối việc mua sắm bông sản xuất từ Tân Cương, trong đó có Nike.

Trước khi trang cãi bùng nổ, hoạt động kinh doanh của Nike tại Trung Quốc đã trải qua một giai đoạn phồn thịnh. Gã khổng lồ thể thao có trụ sở tại Mỹ đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng trong 7 năm liên tiếp, với tỷ suất tăng trưởng nằm ở mức hàng chục phần trăm. Trong 3 tháng tính đến tháng 2/2023, doanh thu của Nike tiếp tục tăng lên 1%, chủ yếu nhờ vào việc Trung Quốc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế liên quan đến Covid-19 và sự tăng cao về nhu cầu mua sắm trong dịp Tết Nguyên đán.

Mặc dù mức tăng trưởng doanh số hàng quý của Nike đã giảm, nhưng vẫn giữ vững vị thế đứng đầu trên thị trường thể thao tại Trung Quốc vào năm 2022, chiếm 22,6% thị phần. Tuy nhiên, Nike không tránh khỏi sự cạnh tranh đầy khốc liệt từ các thương hiệu nội địa như Anta, mà đã vượt qua Adidas (11,2% thị phần) để chiếm vị trí thứ 2 với 20,4% thị phần. Li-Ning đứng ở vị trí thứ 4 với 10,4%, làm cho cuộc cạnh tranh trên thị trường thể thao Trung Quốc trở nên sôi động.

Hiệu suất của thương hiệu Nike không đủ để thu hút sự chú ý của nhà đầu tư hoặc tăng giá cổ phiếu, trong khi Anta đã nổi tiếng nhờ là đối tác trang phục thể thao chính thức của Thế vận hội mùa đông 2022. Anta còn kết hợp với các ngôi sao nổi tiếng như vận động viên trượt tuyết Eileen Gu và diễn viên Vương Nhất Bác, người trước đây là đại sứ thương hiệu của Nike.

Năm 2022, doanh thu của Anta tại thị trường Trung Quốc lần đầu vượt qua Nike, đạt 7,8 tỷ USD, trong khi doanh thu toàn cầu của Nike đạt hơn 46 tỷ USD.

H.C (t/h)