Thuế tài nguyên khoáng sản - nhìn từ nhà đầu tư

00:00 12/10/2020

"Dưới góc nhìn của nhà đầu tư khi bỏ khoản vốn lớn tham gia với môi trường kinh doanh nhiều thành phần thì rất cần sự “hài hòa hợp lý” của lộ trình để đảm bảo lợi ích và sự yên tâm cho các nhà đầu tư. Đối với các doanh nghiệp lĩnh vực này khi cổ phần hóa thiết nghĩ khung thuế suất biểu thuế tài nguyên và biểu thuế suất đang thực thi cũng là vấn đề cần quan tâm trong cáo bạch"

khai-thac-than Khai thác than - nghề cực nhọc, hiểm nguy - không dễ như "xúc than lên mà bán"!  THUẾ TÀI NGUYÊN KHOÁNG SẢN - NHÌN TỪ NHÀ ĐẦU TƯ Bùi Thế Bình (báo doanhnghiepvn.vn) Cổ phần hóa - xu thế tất yếu Theo Ban Đổi mới doanh nghiệp Nhà nước, tổng số doanh nghiệp Nhà nước đã được cổ phần hoá từ năm 1992 đến nay đã đạt gần 4.000 doanh nghiệp, bình quân mỗi năm được 181,5 doanh nghiệp. Xét về số lượng đó là con số đáng kể, tuy nhiên cũng phải nhìn nhận thực tế rằng các doanh nghiệp đã được cổ phần hóa giai đoạn này chủ yếu có quy mô và vốn vừa và nhỏ chưa có sự tham góp của các Tổng công ty và Tập đoàn kinh tế nhà nước. Tính đến 2013 vốn chủ sở hữu của các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước là 959.796 tỷ đồng, tăng 4,1% so với năm 2012; Giá trị tổng tài sản của các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước năm 2013 đạt 2.387.150 tỷ đồng, tăng 33% so với năm 2010; Thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2013 đạt 218.915 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2012; Tỷ trọng đóng góp vào GDP của khối DNNN đạt mức 32,4%. Theo kế hoạch năm 2015 sẽ có 389 doanh nghiệp nhà nước phải được cổ phần hóa, theo đó có nhiều Công ty mẹ của các Tổng công ty và Tập đoàn kinh tế lớn được triển khai theo lộ trình và đương nhiên đó cũng chưa phải điểm dừng. Những doanh nghiệp  này đều có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực và  cố nhiên lượng phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) với khối lượng giao dịch lớn. Để IPO hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư đặc biệt là nguồn vốn ngoại thì  khung thuế suất thuế tài nguyên của ngành khoáng sản là vấn đề không khỏi băn khoăn của không ít các nhà đầu tư. Ngành khoáng sản có thực sự lợi thế! Là ngành kinh doanh sản xuất khai thác từ tài nguyên không tái tạo, đó là món quà quý mà tạo hóa ban tặng cho mỗi Quốc gia. Tuy nhiên, với quy luật thông thường giá thành sản phẩm luôn có xu thế hạ thì giá thành sản xuất của ngành khoáng sản luôn quay theo chiều ngược lại. Do tài nguyên hình thành tự nhiên, các mỏ khi phát hiện và khai thác phần lớn đều có quy luật “hết nạc vạc đến xương” dẫn đến “nghịch lý” giá thành ngày càng cao. Đối với công nghệ khai thác lộ thiên của  ngành than  cũng như khoáng sản kim loại khác thì hệ số đất đá bóc cho 1 tấn sản phẩm ngày 1 gia tăng, cung độ vận chuyển ngày một xa. Đối với công nghệ khai thác hầm lò thì suất đầu tư cho tấn sản phẩm ngày 1 cao do phải xuống sâu. Trong thời kinh tế mở các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh của ngành này  đã tích cực đổi mới công nghệ, tiết kiệm chi phí giảm giá thành sản phẩm để đảm bảo ổn định duy trì nhịp độ sản xuất trước sự suy giảm của giá năng lượng và khoáng sản toàn thế giới, tuy nhiên tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu những năm qua của ngành than đạt khoảng 5-6%; các ngành khai thác chế biến khoáng sản kim loại đen và kim loại mầu tỷ lệ này cũng tương tự, thậm chí còn thấp hơn đôi chút. Mặt khác là ngành công nghiệp nặng đòi hỏi vốn lớn thời gian đầu tư và hoàn vốn khá dài (thường từ 8- 12 năm)  giá trị tài sản cố định đã đầu tư của ngành này được cộng dồn theo giá trị sổ sách nên thực chất số tiền khấu hao không đủ bù tái sản xuất giản đơn do tốc độ trượt giá hàng năm. Giá trị này được định giá lại theo mặt bằng giá mới  khi cổ phần hóa vô hình chung đã đẩy chi phí khấu hao trên một đơn vị sản phẩm giai đoạn cổ phần cao hơn so với trước cổ phần hóa. Đó cũng không khác biệt so các ngành khác khi cổ phần hóa nhưng do giá trị tài sản cố định của những doanh nghiệp ngành khoáng sản thường chiếm tỷ trọng lớn nên ảnh hưởng đáng kể đến giá thành trong điều kiện khối lượng sản phẩm không đổi. Khung thuế tài nguyên và thuế suất hiện hành ngành khoáng sản Theo quy định luật thuế tài nguyên thì tài nguyên khai thác chưa xác định được số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng thực tế khai thác do chứa nhiều chất, tạp chất khác nhau thì sản lượng tài nguyên tính thuế được xác định theo số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng của từng chất thu được sau khi sàng tuyển, phân loại. (Ví dụ: Một công ty trong kỳ nộp thuế phải sàng tuyển hàng nghìn m3 đất, đá để thu được 2 kg vàng cốm, 100 tấn quặng sắt thì thuế tài nguyên được tính trên số lượng vàng cốm và quặng sắt thu được này); Giá tính thuế tài nguyên là giá bán đơn vị sản phẩm tài nguyên của tổ chức, cá nhân khai thác chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Như vậy xét đến cùng có thể hiểu đơn giản việc tính thuế tài nguyên đối với ngành khai thác khoáng sản được tính theo doanh thu và tỷ lệ thuế suất quy định. Khung thuế suất theo luật được quy định cho ngành khai thác than là 20%; ngành khai thác kim loại mầu, kim loại đen từ 20-25%. Tuy nhiên đến nay (2015) thuế suất đang áp cho các ngành này mới được non nửa (than 9-10%; kim loại đen, kim loại mầu 12-15%) điều đó đồng nghĩa còn một khoản chi phí lớn “treo” lơ lửng đối với ngành này khi cổ phần hóa. Những năm qua thường biên độ điều chỉnh tăng đối với khai thác than là 2% đối với khai thác các kim loại đen, mầu khoảng 3-4%. Giả định các yếu tố khác không đổi với tỷ lệ lợi nhuận trên doanh thu khoảng 5-6% như trên thì chỉ khoảng 2 đến 3 nhịp điều chỉnh  tỷ lệ thuế suất tài nguyên thì lợi nhuận của ngành này sẽ trở về “mặt đất” và nếu điều chỉnh hết khung thuế suất tài nguyên thì lợi nhuận của ngành này sẽ ở mức (-) âm. Đó là “quả bom” không nhỏ mà các doanh nghiệp ngành này phải nhận diện và đối mặt. Nhà đầu tư, đôi điều nhìn nhận Đổi mới công nghệ, tăng năng suất lao động nhằm hạ và đảm bảo giá thành có thể cạnh tranh là bổn phận không thay thế đối mỗi doanh nghiệp. Vẫn biết biểu khung thuế suất thuế tài nguyên, Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định mức thuế suất cụ thể đối với từng loại tài nguyên trong từng thời kỳ bảo đảm các nguyên tắc: góp phần quản lý nhà nước đối với tài nguyên; bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả nguồn tài nguyên;Góp phần bảo đảm nguồn thu ngân sách nhà nước và bình ổn thị trường. Tuy nhiên dưới góc nhìn của nhà đầu tư khi bỏ khoản vốn lớn tham gia với môi trường kinh doanh nhiều thành phần thì rất cần sự “hài hòa hợp lý” của lộ trình để đảm bảo lợi ích và sự yên tâm cho các nhà đầu tư. Đối với các doanh nghiệp lĩnh vực này khi cổ phần hóa thiết nghĩ khung thuế suất biểu thuế tài nguyên và biểu thuế suất đang thực thi cũng là vấn đề cần quan tâm trong cáo bạch./. Tác giả bài viết: