Thủ tướng chỉ đạo cần nhận thức rõ tầm quan trọng của đầu tư công

23:00 12/04/2023

Thủ tướng đề nghị các địa phương nhận thức rõ tầm quan trọng của đầu tư công nói chung và các công trình hạ tầng giao thông chiến lược nói riêng.

Sáng 12/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải (Ban Chỉ đạo) chủ trì họp Phiên thứ 5 của Ban Chỉ đạo nhằm kiểm điểm kết quả Phiên họp lần thứ 4 và bàn các giải pháp, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy thực hiện các công trình, dự án.

Phiên họp được thực hiện theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa đầu cầu Trụ sở Chính phủ với 43 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang có các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải.

Mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trong nhiệm kỳ 2021-2026, Nhà nước bố trí khoảng 400.000 tỷ đồng cho phát triển giao thông, lớn nhất trong các ngành, lĩnh vực và chiếm khoảng một nửa tổng vốn đầu tư công.

Thủ tướng đề nghị các địa phương nhận thức rõ tầm quan trọng của đầu tư công nói chung và các công trình hạ tầng giao thông chiến lược nói riêng - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng đề nghị các địa phương nhận thức rõ tầm quan trọng của đầu tư công. Ảnh VGP/Nhật Bắc.

Đây là khối lượng công việc rất lớn. Các công trình, dự án được phân bổ rộng khắp từ Nam tới Bắc, với các dự án giao thông trục Bắc-Nam, Đông-Tây và kết nối 6 vùng kinh tế-xã hội. Do đó, Ban Chỉ đạo phải thường xuyên rà soát, kiểm tra, đôn đốc để hoàn thành nhiệm vụ đặt ra.

Thủ tướng Chính phủ phân tích, trong 3 động lực tăng trưởng gồm đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu, thì xuất khẩu phụ thuộc nhiều bởi thị trường bên ngoài. Do đó, cùng với tiếp tục tìm kiếm thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm để khắc phục, chúng ta phải kích cầu tiêu dùng trong nước và thúc đẩy đầu tư công. Thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư công là 2 trong 3 động lực mà chúng ta chủ động được, không phụ thuộc nhiều từ bên ngoài.

Để thúc đẩy đầu tư công, các bộ, ngành phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; sớm phê duyệt các dự án; giải phóng mặt bằng phải tích cực; tổ chức thi công khẩn trương, "3 ca 4 kíp"; cấp phép mỏ, cung cấp đủ nguyên vật liệu xây dựng cho các nhà thầu. Thông qua đầu tư công để đưa nguồn vốn vào nền kinh tế; kích hoạt các hoạt động kinh tế, thúc đẩy phát triển; tạo việc làm, sinh kế cho người dân.

Thủ tướng đề nghị các địa phương nhận thức rõ tầm quan trọng của đầu tư công nói chung và các công trình hạ tầng giao thông chiến lược nói riêng, bởi đường đi đến đâu mở ra không gian phát triển đến đó, đô thị, dịch vụ phát triển đến đó; không có đường thì không thể phát triển công nghiệp được.

"Nhà nước đã bố trí vốn; có các cơ chế, chính sách; quyết liệt tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; vấn đề thúc đẩy các công trình, dự án nằm ở khâu tổ chức thực hiện", Thủ tướng lưu ý.

Thủ tướng đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương phát huy trách nhiệm với Đảng, Nhà nước, nhân dân, với tinh thần quyết liệt, gương mẫu, tích cực, chủ động, linh hoạt trong lãnh đạo, điều hành; phối hợp chặt chẽ, tháo gỡ các vướng mắc, không được "quyền anh, quyền tôi"; phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm… để thúc đẩy các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính về tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước, tính đến hết quý I, ước giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 khoảng 73.192 tỷ đồng, đạt 9,69% kế hoạch và đạt 10,35% kế hoạch Thủ tướng giao và thấp hơn cùng kỳ. Đáng lưu ý, hiện vẫn còn 30 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân, trong khi nhiều địa phương tăng tốc hoàn thành tốt nhiệm vụ với tỷ lệ giải ngân đạt cao, thậm chí trên 30%.

Trong hơn 73.000 tỷ đồng vốn đầu tư công giải ngân trên cả nước này, vốn trong nước giải ngân khoảng 72.232 tỷ đồng, đạt 9,93% kế hoạch và đạt 10,64% kế hoạch Thủ tướng giao, trong đó, vốn chương trình mục tiêu quốc gia là 2.052 tỷ đồng, đạt 8,47% kế hoạch; vốn nước ngoài giải ngân khoảng 960 tỷ đồng, đạt 3,43% kế hoạch.

Nhận xét tình hình giải ngân kế hoạch vốn, Bộ Tài chính cho biết nếu so với kế hoạch Thủ tướng giao thì tỷ lệ giải ngân đạt 10,35%, vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 (11,88%). Trong đó, vốn trong nước đạt 10,64%, thấp hơn cùng kỳ năm 2022 đạt 12,66%; còn vốn nước ngoài đạt 3,43%, cao hơn cùng kỳ năm 2022 chỉ đạt vỏn vẹn khoảng 0,99%.

PV (t/h)