Thời trang nhanh ảnh hưởng xấu đến môi trường

22:12 01/07/2024

Thời trang là một trong những ngành gây tác động tiêu cực mạnh đến môi trường. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, thời trang nhanh càng ngày càng phổ biến và lan rộng qua các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Đây cũng chính là lý do thúc đẩy nhóm nghiên cứu sinh viên của Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh triển khai nghiên cứu chủ đề “Tác động của nhận thức bảo vệ môi trường đến hành vi tiêu dùng thời trang nhanh tại Việt Nam”.

Thời trang nhanh là một hiểm họa của môi trường
Thời trang nhanh là một hiểm họa của môi trường.

Sự phát triển của thời trang nhanh kéo theo sự dư thừa và gia tăng gánh nặng đến môi trường ở 2 phía cung và cầu. Các nhà sản xuất sản xuất lượng hàng vượt quá nhu cầu tiêu dùng dẫn đến lượng hàng tồn kho tăng mạnh. Cụ thể, theo ước tính của Công ty tư vấn McKinsey và Diễn đàn Kinh tế Thế giới, số lượng hàng may mặc được sản xuất mỗi năm đã tăng gấp đôi kể từ năm 2000. Năm 2018, thương hiệu H&M gây chấn động khi tiết lộ trong báo cáo thường niên rằng, họ đã tích lũy 4,3 tỷ USD hàng tồn kho chưa bán được. Về phần cầu, ngành công nghiệp thời trang nhanh đang trở nên phổ biến và được giới trẻ ưa chuộng bởi sự tiện lợi và giá thành rẻ. Tuy nhiên, điều này lại gây ra các tác động tiêu cực đến môi trường. Dữ liệu từ Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ cho thấy, lượng chất thải từ quần áo và giày dép do người Mỹ thải ra mỗi năm tăng từ 1,4 triệu tấn (năm 1960) lên hơn 13 triệu tấn (2018).

Về mặt xã hội, ô nhiễm môi trường từ việc sản xuất quần áo giá rẻ và nhanh chóng đang gia tăng, trong khi nhận thức của giới trẻ về tác động này còn hạn chế. Có thể nói rằng, ý thức của người tiêu dùng trong việc tái chế, lựa chọn chất liệu trang phục cũng là yếu tố khiến lượng rác thải từ quần áo tăng lên chóng mặt. Xét từ nhu cầu thực tiễn, nhóm tác giả muốn thông qua bài nghiên cứu này tập trung tìm hiểu và đánh giá tác động của nhận thức bảo vệ môi trường ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng thời trang nhanh của người Việt Nam, từ việc thay đổi thói quen mua sắm đến sự gia tăng của các lựa chọn thời trang bền vững. Liệu sự thay đổi này có đủ mạnh mẽ để tạo ra một cuộc cách mạng trong ngành thời trang tại Việt Nam?

Nhóm tác giả đã phân tích tác động của nhận thức người tiêu dùng thông qua các khía cạnh: (1) Nhận thức về trách nhiệm đối với môi trường; (2) Nhận biết đối với các sản phẩm thời trang nhanh; (3) Ảnh hưởng từ xã hội; (4) Sự quan tâm và thái độ đối với môi trường; (5) Nhận thức các vấn đề có ảnh hưởng đến môi trường.

Thời trang nhanh làm đầy thêm ô nhiễm môi trường
Thời trang nhanh là một trong những nguyên nhân gây nên ô nhiễm môi trường.

Dựa trên dữ liệu sơ cấp thu được từ việc khảo sát, nhóm tác giả tiến hành hồi quy theo phương pháp Enter, kết quả cho thấy: yếu tố “Nhận biết về các sản phẩm thời trang nhanh” không có ý nghĩa thống kê; 4 yếu tố còn lại đều có tác động tích cực và có ảnh hưởng đáng kể đến nhận thức bảo vệ môi trường với mức độ giảm dần theo thứ tự: “Ảnh hưởng từ xã hội”, “Sự quan tâm và thái độ đối với môi trường”, “Nhận thức các vấn đề có ảnh hưởng đến môi trường” và “Nhận thức về trách nhiệm đối với môi trường”.

Thông qua kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả đề xuất giải pháp giúp nâng cao nhận thức và giảm ý định sử dụng tiêu dùng và sử dụng thời trang nhanh như sau:

Nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về bảo vệ môi trường: Trong đó, tập trung vào nâng cao nhân thức thông qua tác động từ xã hội, tuyên truyền đẩy mạnh nhận thức về các vấn đề có ảnh hưởng đến môi trường, trách nhiệm với môi trường, tạo sự quan tâm đối với môi trường.

Cải thiện chất lượng và minh bạch nguồn gốc: Nhiều thương hiệu thời trang nhanh cần nâng cao chất lượng sản phẩm và cân nhắc giá thành hợp lý để đáp ứng nhu cầu về chất lượng. Đồng thời, cần giảm thiểu chất thải và sử dụng các chất liệu thân thiện với môi trường, điều này sẽ tạo hiệu ứng tích cực trong nhận thức người tiêu dùng, khuyến khích họ chọn mua các sản phẩm bền vững hơn thay vì những sản phẩm kém chất lượng chỉ dùng được vài lần. Hơn nữa, các nhà sản xuất và kinh doanh nên minh bạch về nguồn gốc và chất liệu sản phẩm để tạo niềm tin cho khách hàng.

Hướng đến thời trang bền vững: Làm quen với thời trang bền vững và thân thiện với môi trường, không chạy theo xu hướng nhanh chóng. Các chiến dịch như Fashion 4 Climate (Thời trang vì khí hậu) đã thúc đẩy người tiêu dùng chọn các sản phẩm chất lượng cao, bền bỉ, được làm từ các chất liệu như bông, gai, lanh, tơ tằm... Việc này không chỉ giảm thiểu lượng sản phẩm mua về mà còn khuyến khích việc sửa chữa quần áo hỏng, hạn chế lượng rác thải thời trang.

Xu hướng đồ secondhand: Mua đồ secondhand đang trở thành xu hướng với những mặt hàng đã qua sử dụng nhưng vẫn còn mới và chất lượng. Người tiêu dùng ngày càng chú trọng tính tiện dụng, bền vững và chất lượng hơn là chạy theo các sản phẩm mới, theo kịp xu hướng. Việc này giúp giảm lượng quần áo thải ra môi trường và không gây hại cho thiên nhiên, đồng thời tạo cơ hội sở hữu những món đồ độc đáo với giá thành rẻ. Xu hướng này đặc biệt thu hút giới trẻ và các tín đồ thời trang có ý thức bảo vệ môi trường, góp phần thay đổi nhận thức của người tiêu dùng và cả các thương hiệu thời trang.

Nguyễn Thị Quỳnh Trâm, Lê Trần Khánh Đoan, Hoàng Quế Ngọc, Cao Thùy Trang, Lê Kiều Linh Như

(Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh)