Thị trường trung tâm dữ liệu của Việt Nam đang phát triển mạnh hơn bao giờ hết

10:21 14/05/2023

Trang Business Times nhận định, thị trường trung tâm dữ liệu của Việt Nam đang phát triển mạnh hơn bao giờ hết. Các công ty trong và ngoài nước đang tìm cách phát triển thêm các trung tâm dữ liệu tại Việt Nam khi nhu cầu lưu trữ liên tục tăng.

Ảnh minh họa
Một trung tâm dữ liệu tại TPHCM. Ảnh: DNCC

Ông Nguyễn Đình Tuấn, Trưởng phòng Kỹ thuật Viettel IDC, cho biết, về mặt quy mô, trên thế giới đã có trên 8.100 TTDL, trong đó Mỹ đang dẫn đầu với trên 30% TTDL nằm ở Mỹ. Trong bức tranh thị trường TTDL toàn cầu này, Việt Nam mới chỉ có khoảng 20 - 30 TTDL, chiếm chưa được 1% số lượng TTDL toàn cầu. Điều đó cho thấy thị trường TTDL Việt Nam còn rất nhiều cơ hội và khả năng phát triển. 

Việt Nam được đánh giá là một trong 100 thị trường mới nổi trên thị trường TTDL và điện toán đám mây (ĐTĐM) với tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng. Dự báo đến 2025, quy mô thị trường TTDL Việt Nam sẽ lên đến 1 tỷ USD từ mức hơn 400 triệu USD hiện nay, tạo dư địa tăng trưởng rất lớn cho các DN.

Trang Business Times nhận định, thị trường trung tâm dữ liệu của Việt Nam đang phát triển mạnh hơn bao giờ hết. Các công ty trong và ngoài nước đang tìm cách phát triển thêm các trung tâm dữ liệu tại Việt Nam khi nhu cầu lưu trữ liên tục tăng.

GS. Eryk Dutkiewicz - Hiệu trưởng Trường Kỹ thuật điện và Dữ liệu, Đại học Công nghệ Sydney, Australia: "Để chuyển đổi số thành công thì phát triển ngành công nghiệp trung tâm dữ liệu là điều bắt buộc đối với Việt Nam. Để có thể đi đầu trong lĩnh vực này, Việt Nam cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng quốc gia, tăng cường đào tạo lao động có tay nghề cao. Điều này sẽ đặt Việt Nam vào vị thế cạnh tranh để dẫn đầu ngành công nghiệp trung tâm dữ liệu tại khu vực. Các bạn có dân số trẻ, hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Đây là điểm quan trọng cần tận dụng".

Trang Yahoo Finance trích Báo cáo đầu tư thị trường Trung tâm dữ liệu Việt Nam 2022-2028 cho biết, quy mô thị trường trung tâm dữ liệu tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng lên mức hơn 1 tỷ USD vào năm 2028 từ mức 561 triệu USD của năm 2022 với mức độ tăng trung bình khoảng hơn 10%/năm.

Ông Rubén m. Flores - Tổng Giám đốc Nokia Việt Nam: "Tôi xin đưa ra điểm đầu tiên để giải thích tại sao lĩnh vực trung tâm dữ liệu tại Việt Nam tiếp tục tăng trưởng. Theo các số liệu từ 2016-2020, lĩnh vực này tại Việt Nam tăng khoảng 12-13%/năm, điều này sẽ tiếp tục được thúc đẩy với chương trình chuyển đổi số quốc gia và tiếp đó là việc triển khai 5G… Việt Nam cũng có vị trí thuận lợi, là điểm kết nối giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, trong khi lại có lợi thế hơn so với Penang của Malaysia về điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng. Điều này sẽ giúp phát triển các trung tâm dữ liệu đáng tin cậy tại Việt Nam".

Trang PR News Wire trích dẫn phân tích của Akamai cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia đứng đầu khu vực về tỷ lệ người được hỏi về ưu tiên đầu tư vào công nghệ dữ liệu đám mây - lĩnh vực quan trọng của ngành trung tâm dữ liệu.

Ông Yoshimi Sasaoka - Giám đốc Công ty NTT Global Centers HCMC1: "Sức mạnh phát triển trung tâm dữ liệu là có. Hơn nữa, môi trường của Việt Nam khá cởi mở. Việc chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số cũng giúp tác động đáng kể việc mở rộng thị trường trung tâm dữ liệu. Ngoài ra, lượng người dùng Internet tại Việt Nam cũng rất lớn, đây cũng là điểm rất đáng quan tâm".

Trang Nikkei cho biết, Tập đoàn Huawei của Trung Quốc cũng đang các sản phẩm phục vụ xây dựng các trung tâm dữ liệu tại Việt Nam. Đại diện Huawei nhận định, Việt Nam có cơ hội trở thành một trung tâm mới của khu vực về thị trường trung tâm dữ liệu nhờ chi phí thấp và các quy định về việc tăng cường lưu trữ dữ liệu trong nước.

Theo Savills Hà Nội, tại Việt Nam giá trị thị trường trung tâm dữ liệu đạt 858 triệu đô la Mỹ vào năm 2020, trong khi năm 2019 đạt mức 728 triệu đô la Mỹ. Thị trường này cũng đồng thời được dự báo có tốc độ tăng trưởng đạt gần 15% mỗi năm cho đến năm 2026.

Hiện tại, khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang có 3 digital hub là HongKong (Trung Quốc), Singapore và Nhật Bản. Để trở thành trung tâm số của khu vực, Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với một số quốc gia như Thái Lan, Malaysia trong “cuộc đua” giành vị trí trung tâm số tiếp theo trong khu vực. Để đạt được mục tiêu, Việt Nam cần phải hoàn thiện và nâng cao hơn nữa hạ tầng Internet, hạ tầng số.

Bích Hà