Tem truy xuất nguồn gốc - thẻ bài bảo vệ hàng hóa

20:56 17/03/2024

Sản phẩm có dán tem truy xuất nguồn gốc sẽ góp phần bảo vệ được thương hiệu, nâng tầm giá trị của doanh nghiệp, hợp tác xã. Từ đó tăng tính cạnh tranh, kích thích người tiêu dùng mua hàng, tiết kiệm tối đa chi phí đầu tư.

Các tỉnh ven sông Cửu Long như Tiền Giang và Bến Tre đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ trong ngành nông nghiệp xuất khẩu. Với việc quản lý chặt chẽ mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói, hai tỉnh này đang đảm bảo nguồn gốc và chất lượng của các sản phẩm nông nghiệp, từ đó tạo nên lòng tin từ phía người tiêu dùng và nâng cao giá trị thương hiệu của địa phương.

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang, tỉnh đang quản lý 528 mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói theo quy định, trong đó có 183 mã số được cấp cho sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Công tác quản lý được thực hiện thông qua việc lập đoàn kiểm tra liên ngành để đảm bảo tuân thủ các quy định và điều kiện sản xuất.

Tem truy xuất nguồn gốc - thẻ bài bảo vệ hàng hóa
Tem truy xuất nguồn gốc - thẻ bài bảo vệ hàng hóa.

Bên cạnh đó, Tiền Giang cũng đang triển khai xây dựng phần mềm quản lý vùng trồng sầu riêng, nhằm tạo ra một cơ sở dữ liệu rõ ràng và minh bạch về các vùng trồng nông sản chủ lực của tỉnh. Điều này giúp tăng cường khả năng truy xuất nguồn gốc và quản lý chất lượng sản phẩm, từ đó nâng cao uy tín của sản phẩm xuất khẩu Tiền Giang trên thị trường quốc tế.

Hay như ở Bến Tre, việc quản lý mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói cũng đang được thực hiện một cách chặt chẽ. Tính đến hiện tại, tỉnh có 41 vùng trồng được cấp 84 mã số, tập trung chủ yếu vào các sản phẩm như dừa, bưởi, chôm chôm, xoài và sầu riêng. Quản lý được thực hiện thông qua việc theo dõi sản xuất tại các vùng trồng và báo cáo kịp thời về các dấu hiệu không trung thực trong sử dụng mã số.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận cũng chia sẻ, đến nay, Bình Thuận đã có rất nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện hiệu quả việc xây dựng thương hiệu sản phẩm trên thị trường gắn với việc dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm như Hợp tác xã thanh long Hòa Lệ, các sản phẩm hải sản của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hải Nam, nước mắm Phan Thiết…

Có thể thấy, sản phẩm có dán tem truy xuất nguồn gốc sẽ góp phần bảo vệ được thương hiệu, nâng tầm giá trị của doanh nghiệp, hợp tác xã. Từ đó tăng tính cạnh tranh, kích thích người tiêu dùng mua hàng, tiết kiệm tối đa chi phí đầu tư. Đây cũng là nền tảng để xuất khẩu hàng hóa đi quốc tế, bảo vệ cộng đồng, tẩy chay hàng giả, hàng nhái ra khỏi thị trường Việt Nam.

P.V (t/h)