Sự gia tăng tốc độ số hóa sẽ làm đảo lộn thị trường lao động

23:44 01/05/2023

Đây cũng là nhận định được viết trong báo cáo “Tương lai việc làm” của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), công bố dựa trên khảo sát hơn 800 công ty.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Theo báo cáo “Tương lai việc làm” của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đến năm 2027, có khoảng 69 triệu việc làm sẽ được tạo ra và 83 triệu việc làm bị hủy bỏ, dẫn tới sự sụt giảm ròng 2% thị trường lao động hiện nay. Đây là thăm dò dựa trên số liệu từ khoảng 800 công ty đang tuyển dụng hơn 11 triệu người lao động và sử dụng dữ liệu của 673 triệu việc làm.

Thị trường lao động trong giai đoạn đó sẽ hỗn loạn vì nhiều yếu tố, trong đó chuyển dịch năng lượng sẽ là nhân tố chính tạo ra việc làm, còn tăng trưởng kinh tế chậm đi và lạm phát cao sẽ dẫn đến thua lỗ.

Báo cáo viết: “Việc áp dụng công nghệ tiên tiến và sự gia tăng tốc độ số hóa sẽ làm đảo lộn đáng kể thị trường lao động”. Các vị trí việc làm sẽ giảm nhanh nhất là giao dịch viên ngân hàng, nhân viên thu ngân,... những công việc có thể được tự động hóa. 

Theo WEF, nhiều công ty sẽ cần nhân viên mới để triển khai và quản lý các công cụ AI. Việc làm liên quan đến phân tích dữ liệu, khoa học, chuyên gia học máy và chuyên gia an ninh mạng được dự báo tăng trung bình 30% vào năm 2027.

Đồng thời, sự phổ biến của AI sẽ khiến nhiều vị trí gặp rủi ro, khi robot thay thế con người trong một số trường hợp. WEF dự đoán gần 26 triệu công việc hành chính và lưu trữ hồ sơ có thể bị thay thế hoàn toàn vào năm 2027. Nhân viên nhập liệu và thư ký điều hành cũng nằm trong số vị trí chịu tổn thất nặng nề nhất.

Bất chấp sự phổ biến xung quanh các công cụ như ChatGPT, quá trình tự động hóa diễn ra tương đối chậm chạp vào đầu thập kỷ này. Các tổ chức được WEF thăm dò ước tính rằng, 34% các nhiệm vụ liên quan đến kinh doanh hiện đang được thực hiện bởi máy móc.

Báo cáo cũng đưa ra kết luận, công nghệ và số hóa là hai động lực tạo việc làm mới cũng như hủy bỏ việc làm hiện nay.

Đáng chú ý, các nhà tuyển dụng tiềm năng cho rằng lỗ hổng kỹ năng và không có khả năng thu hút nhân tài là những rào cản lớn đối với quá trình chuyển đổi. Cứ 10 người lao động thì có 6 người sẽ cần được đào tạo vào năm 2027, nhưng hiện chỉ có một nửa số người lao động được tiếp cận với các cơ hội đào tạo đầy đủ. 

Giám đốc điều hành WEF Saadia Zahidi cho biết: “Tin tốt là có một hướng đi rõ ràng để đảm bảo khả năng phục hồi. Các chính phủ và doanh nghiệp phải đầu tư vào việc hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang các công việc của tương lai thông qua giáo dục, đào tạo lại kỹ năng và hỗ trợ xã hội để có thể đảm bảo các cá nhân là trung tâm của tương lai việc làm.”

Trong báo cáo Triển vọng việc làm năm 2020, khi đại dịch đang hoành hành khắp thế giới, WEF cho biết 43% doanh nghiệp được khảo sát cho biết, họ chuẩn bị cắt giảm việc làm do tích hợp công nghệ và dự đoán rằng đến năm 2025, thời gian dành cho các nhiệm vụ hiện tại tại nơi làm việc của con người và máy móc sẽ bằng nhau.

Minh Anh (t/h)