Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh: Phát triển kinh tế số, cần có giải pháp đột phá, sáng tạo, đổi mới

23:54 28/04/2024

TP. Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh phát triển kinh tế số với mục tiêu phấn đấu kinh tế số đóng góp năm 2024 là 22%, khoảng 25% đến năm 2025, 40% đến năm 2030 trong GRDP của thành phố.

Năm 2024, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục chọn chuyển đổi số (CĐS) và đô thị thông minh là nội dung trọng tâm với chủ đề năm là “Quyết tâm thực hiện hiệu quả Chuyển đổi số và Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội”. Bên cạnh việc tiếp tục hoàn thành kế hoạch xây dựng Chính quyền số đến năm 2025, thì Thành phố vẫn không ngừng đẩy mạnh CĐS trong giáo dục, y tế, du lịch và an sinh xã hội; triển khai các giải pháp, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ; thu hút, phát triển hoạt động trong Khu công nghệ cao phù hợp với Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh nhằm thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ trong lĩnh vực công nghệ số, vi mạch bán dẫn; nghiên cứu hình thành thêm Khu công nghệ thông tin tập trung tại Thành phố; phát huy hiệu quả chuỗi công viên phần mềm Quang Trung từ đó lan tỏa, tạo sự liên kết vùng trong phát triển công nghiệp công nghệ thông tin...

Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh - Lâm Đình Thắng, tầm quan trọng của kinh tế số đối với Thành phố trong giai đoạn hiện nay là cần tập trung tìm những giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế số để thực hiện các chỉ tiêu đặt ra của Thành phố và quốc gia.

Thành phố hiện có khoảng 260.000 doanh nghiệp, trong đó khoảng 40% doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng các nền tảng số. “Doanh nghiệp lớn chuyển đổi số có nguồn lực, điều kiện, chuyên gia nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỉ trọng lớn của Thành phố thì chưa đủ điều kiện và chính sách để CĐS nhanh. Nếu khối này CĐS nhanh sẽ đóng góp vào sự phát triển của kinh tế số Thành phố rất lớn” - ông Lâm Đình Thắng nói.

Ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh
Ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh.

Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2023 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu đến năm 2030, TP. Hồ Chí Minh trở thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao; là thành phố dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hoá, giáo dục, khoa học - công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á. Tăng trưởng bình quân đạt khoảng 8 - 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người khoảng 14.500 USD; kinh tế số đóng góp 40% vào GRDP.

Tỷ trọng GRDP kinh tế số của TP. Hồ Chí Minh theo phương pháp tính của Tổng Cục thống kê năm 2020 là 12,61%; năm 2021 đạt 13,84%; năm 2022 là 13,51% (xếp thứ 7 cả nước). Bên cạnh đó, theo phương pháp tính của Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh, tỷ trọng GRDP kinh tế số của Thành phố năm 2021 là 15,38% (chưa bao gồm thương mại điện tử và kinh tế chia sẻ) và Học viện Bưu chính Viễn thông – Bộ Thông tin và Truyền thông đo lường tỷ trọng GRDP kinh tế số của TP. Hồ Chí Minh năm 2022 là 18,86% (xếp hạng 7 cả nước).

Theo Sách trắng Thương mại điện tử (TMĐT) năm 2022, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam năm 2021 là 16 tỷ USD, giá trị giao dịch TMĐT trên địa bàn TP. HCM ước đạt khoảng 7,84 tỷ USD, gấp khoảng 1,5 – 1,9 lần quy mô thị trường TMĐT năm 2018 (ước đạt 3,22 đến 4,03 tỷ USD).

Với những bước đầu kết quả đạt được như thế, nhưng con số từ số liệu thống kê từ Tổng Cục thống kê, Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố, Học viện BCVT (Bộ TTTT) thì theo ông Thắng, đến nay tỷ trọng đóng góp kinh tế số trong GRDP của Thành phố mặc dù có sự tăng trưởng nhưng so với mục tiêu đề ra theo Nghị quyết của Đảng bộ Thành phố, Chương trình, Kế hoạch hành động của Chính quyền Thành phố thì thấy rằng mục tiêu phấn đấu kinh tế số đóng góp năm 2024 là 22%, khoảng 25% đến năm 2025, 40% đến năm 2030 trong GRDP của thành phố là nhiệm vụ khó khăn, thách thức rất lớn, cần có giải pháp đột phá, sáng tạo, đổi mới thì mới có thể đạt được.

Kinh tế số là tất cả các hoạt động dựa trên hoặc được đổi mới bởi công nghệ số, hạ tầng số, nền tảng số, sản phẩm số, dữ liệu số, thể chế số, kỹ năng số.
Kinh tế số là tất cả các hoạt động dựa trên hoặc được đổi mới bởi công nghệ số, hạ tầng số, nền tảng số, sản phẩm số, dữ liệu số, thể chế số, kỹ năng số.

Ông Thắng cũng nhận định, kinh tế số Việt Nam tiếp tục tăng trưởng nhanh với tốc độ vào khoảng 20%, nhanh gấp 3 lần tăng GDP. Tuy nhiên, tốc độ tăng này được dự báo sẽ chậm lại trong một vài năm tới.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh cũng chia sẻ thêm, kinh tế số được đặc trưng bởi giao dịch online, một thế giới ảo, không giấy tờ, không tiền mặt. Mọi doanh nghiệp đều sử dụng thương mại điện tử, công nghệ số để nâng cao năng suất lao động, tạo ra dịch vụ mới, công việc mới. Như vậy hiểu được kinh tế số thì chúng ta sẽ có những hoạch định, chính sách, hành động phù hợp với xu thế, thời cuộc, thúc đẩy kinh tế số phát triển lành mạnh, bền vững. Để thúc đẩy phát triển kinh tế số Thành phố cần có quản lý điều hành bằng những chính sách quản lý thúc đẩy kinh tế số phát triển lành mạnh, bền vững, có công cụ để kết nối đo lường, giám sát các hoạt động kinh tế số, sớm phát hiện và dự báo những tác động tiêu cực và kịp thời điều chỉnh.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông - Lâm Đình Thắng cũng nói thêm rằng: “Để đạt được điều này, không thể thiếu sự chung tay, trách nhiệm chung, nỗ lực đóng góp của cộng đồng ngành ICT nói riêng và các ngành kinh tế khác nói chung. Giai đoạn này, Thành phố mong muốn xây dựng các giải pháp có tính khả thi cao để thực hiện hoàn thành 3 nhiệm vụ: Thứ nhất là đo lường kinh tế số, đề xuất giải pháp phù hợp phát triển kinh tế số đạt mục tiêu tỷ trọng kinh tế số đạt 22% GRDP của Thành phố; Hai là tập trung thúc đẩy, phát triển kinh tế số 7 ngành, lĩnh vực: Y tế; Giáo dục và Đào tạo; Lao động, việc làm và an sinh xã hội; Du lịch; Nông nghiệp và nông thôn; Tài nguyên và Môi trường; Logistics; Ba là, thúc đẩy Chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa”.

Thành phần của Kinh tế số:

-Kinh tế số nền tảng: sản xuất điện tử, ngành viễn thông, dịch vụ công nghệ thông tin và phần mềm, công nghiệp Internet, …

-Kinh tế số ngành, lĩnh vực: (theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông) Việt Nam có 5 ngành, lĩnh vực có tiềm năng gồm: Nông nghiệp, Du lịch, Dệt may, Logistics và Công nghiệp chế biến, chế tạo.

Phát triển kinh tế số Việt Nam dựa trên 3 trụ cột gồm:

-Quản trị số

-Khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị cho nền kinh tế

-Phát triển các lực lượng sản xuất liên quan đến kinh tế số, trong đó lõi là công nghiệp ICT chiếm 20-30% và 70-80% là kinh tế số ngành được sinh ra do chuyển đổi số các ngành.

Uyển Nhi