Sản xuất ổn định nhờ phát huy chuỗi giá trị sản phẩm

10:34 22/02/2023

Thời gian qua, tỉnh Bến Tre đã xây dựng được các chuỗi giá trị trên 8 sản phẩm nông nghiệp chủ lực như: dừa, bưởi da xanh, heo, bò, chôm chôm, nhãn, tôm biển...

Theo ông Đoàn Văn Đảnh, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre cho biết: Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới tiếp tục được tập trung thực hiện. Đến nay, toàn tỉnh có 100 tổ hợp tác, 58 hợp tác xã tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực với nhiều kết quả khả quan.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Cụ thể, chuỗi dừa đã kết nối hơn 12.000ha, đạt 16,5% tổng diện tích dừa toàn tỉnh. Các doanh nghiệp gắn kết tiêu thụ với nông dân thu mua trực tiếp dừa trái từ các THT, HTX và xây dựng điểm sơ chế tại cơ sở, hay các doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các đơn vị đại diện của nhà vườn với mức giá sản đảm bảo thu mua ổn định tối thiểu 50.000 đồng/chục. Theo các doanh nghiệp, đây là hướng tất yếu.Chuỗi bưởi da xanh đã thực hiện liên kết với diện tích ước khoảng 330ha. Các chuỗi con heo, con bò và tôm biển cũng đạt kết quả nhất định, thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp tham gia.

Hiện nay, tỉnh Bến Tre có trên 15.000ha cây ăn trái, thủy sản và dừa được công nhận GAP và hữu cơ đã tiếp tục khẳng định chất lượng nông sản của tỉnh trên thị trường. Trong đó, cây dừa có chiếm trên 6.500ha, thủy sản trên 8.400ha. Còn lại là bưởi da xanh và chôm chôm.Ngoài ra, tỉnh Bến Tre cũng đã cấp 23 mã vùng trồng cây nhãn, chôm chôm, xoài và bưởi da xanh và 31 mã cơ sở đóng gói. Trong đó có 2 cơ sở đóng gói quả tươi xuất khẩu đạt tiêu chuẩn HACCP và 2/8 sản phẩm chủ lực được xây dựng chỉ dẫn địa lý, triển khai xây dựng 6 nhãn hiệu tập thể, 4 nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm chủ lực của địa phương.

Thời gian tới, Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre sẽ tiếp tục triển khai chương trình hỗ trợ nông dân xây dựng các vùng sản xuất nông sản chuyên canh theo tiêu chuẩn (GAP, hữu cơ, các tiêu chuẩn bền vững…).Tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch thông qua các hoạt động khuyến nông, khuyến ngư.Thực hiện việc cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi đạt tiêu chuẩn GAP, hữu cơ và tăng cường công tác quản lý, giám sát theo yêu cầu các nước nhập khẩu.

Mùa khô năm 2019-2020 đã làm cho vườn dừa của tỉnh Bến Tre bị chết, giảm năng suất, chất lượng từ 30 – 70%, gây thất thu cho nhà vườn hơn 50%. Cùng với tác động của dịch Covid-19, người trồng dừa gặp nhiều khó khăn.Do đó, UBND tỉnh Bến Tre đã phê duyệt và phân bổ kinh phí về các địa phương với tổng số tiền hơn 67 tỷ đồng để hỗ trợ cho người trồng dừa.

Sản phẩm giá trị gia tăng từ dừa
Sản phẩm giá trị gia tăng từ dừa.

Theo Nghị quyết số 05 của HĐND tỉnh Bến Tre, vườn dừa chuyên canh và vườn dừa trồng xen với cây khác mà cây dừa là chủ lực đang cho trái thì mới được hỗ trợ với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/ha.Riêng các vườn dừa mới trồng bị thiệt hại thì được hỗ trợ bằng cây giống. Chính sách hỗ trợ của tỉnh Bến Tre đã giúp người trồng dừa có điều kiện mua phân bón, quan tâm chăm sóc vườn dừa, sớm khôi phục và tái sản xuất, thúc đẩy và giữ vững vùng nguyên liệu dừa lớn nhất cả nước, ổn định đời sống nông dân.

Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre cho biết, hiện nay các địa phương trong tỉnh đã cơ bản thực hiện xong việc giải ngân, chính sách hỗ trợ người trồng dừa theo Nghị quyết số 05 của HĐND tỉnh.

 Theo Hiệp Hội Doanh nghiệp tỉnh Bến Tre