Quỹ bảo trì đường bộ được thu chi như thế nào trong những năm qua?

00:00 12/10/2020

Quỹ Bảo trì trung ương năm 2013 đạt 5.434 tỷ đồng, năm 2014 đạt 4.923 tỷ đồng, năm 2015 đạt 5.750 tỷ đồng và năm 2016 là 6.388 tỷ đồng... Nguồn thu quỹ hàng năm chỉ đáp ứng chưa trên dưới 50% nhu cầu.

Quỹ bảo trì đường bộ được thu chi như thế nào trong những năm qua?

Ảnh minh họa.

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa hoàn thành dự thảo tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng luật Giao thông đường bộ sửa đổi, thay thế luật Giao thông đường bộ năm 2008.

Tại dự thảo báo cáo tổng kết 9 năm thi hành Luật Giao thông đường bộ, Bộ GTVT cho biết, năm 2013, Quỹ bảo trì đường bộ chính thức đi vào hoạt động với số thu phí của Quỹ Bảo trì trung ương năm 2013 đạt 5.434 tỷ đồng, năm 2014 đạt 4.923 tỷ đồng, năm 2015 đạt 5.750 tỷ đồng và năm 2016 là 6.388 tỷ đồng...

Theo Bộ GTVT, Quỹ Bảo trì đường bộ trước mắt chưa đáp ứng được toàn bộ nhu cầu quản lý, bảo trì, ngân sách nhà nước (NSNN) vẫn phải cấp bù. Cụ thể, đối với hệ thống quốc lộ, số thu của Quỹ năm 2013 đáp ứng 70%, năm 2014 đáp ứng được 45,12%, năm 2015 đáp ứng được 47,36%, năm 2016 đáp ứng được 47,8% và năm 2017 đáp ứng được 50,3%...

"Đối với hệ thống quốc lộ đáp ứng được khoảng 45% yêu cầu. Nguồn kinh phí bảo trì đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường nông thôn gặp nhiều khó khăn. Vốn dành cho quản lý bảo trì thấp là một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho công tác bảo trì đường bộ", cơ quan quản lý thông tin.

Tuy nhiên, tại dự thảo lần này, cơ quan quản lý cho rằng, theo lộ trình từ các nguồn thu, Quỹ sẽ dần là nguồn lực chính cho công tác quản lý bảo trì hệ thống đường bộ.

"Đây là một bước tiến mạnh trong chiến lược phát triển giao thông đường bộ Việt Nam, giảm gánh nặng cho ngân sách và dần đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao về vốn và yêu cầu hiện đại hoá công tác quản lý bảo trì", Bộ GTVT cho biết.

Bộ GTVT cũng cho biết, ngày 6/3/2013, Bộ GTVT đã ban hành Quyết định số 538/QĐ-BGTVT về phê duyệt Đề án đổi mới toàn diện công tác quản lý, bảo trì hệ thống quốc lộ. Theo đó công tác bảo trì sẽ được đổi mới, hiện đại hóa về công nghệ, đổi mới cơ chế quản lý theo hướng tổ chức đấu thầu, đặt hàng; tách bạch chủ thể quản lý với đơn vị thực hiện, đảm bảo công khai, minh bạch.

Hiện nay, đã chuyển toàn bộ các doanh nghiệp bảo trì ra khỏi hệ thống các cơ quan quản lý đường bộ và thực hiện đấu thầu duy tu, bảo dưỡng toàn bộ hệ thống quốc lộ; Hà Nội và nhiều địa phương đã thí điểm tổ chức đấu thầu quản lý bảo dưỡng tuyến đường địa phương quản lý.

Hệ cơ sở dữ liệu đường bộ đã được xây dựng, dần đáp ứng được yêu cầu quản lý hiện đại như: cơ sở dữ liệu về tải trọng cầu, cấp đường, khổ giới hạn đường và tình trạng kỹ thuật đường bộ giao cắt với đường sắt; cơ sở dữ liệu cầu trên quốc lộ (VBMS) đã đưa vào khai thác giai đoạn 1 và đang xây dựng cơ sở dữ liệu về mặt đường quốc lộ (PMS).

Lâm An