Quảng Nam và Kon Tum chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình thực hiện các Chương trình MTQG

21:08 24/10/2023

Ngày 23/10, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và Kon Tum đã có buổi làm việc chia sẻ kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 – 2025.

Tham dự buổi làm việc, về phía tỉnh Quảng Nam, do đồng chí Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ các Chương trình MTQG tỉnh Quảng Nam; về phía tỉnh Kon Tum có đồng chí Y Ngọc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban thứ nhất BCĐ các Chương trình MTQG tỉnh Kon Tum, cùng lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh nhằm chia sẻ kinh nghiệm trong thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tm Y Ngọc phát biểu tại buổi làm việc
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tm Y Ngọc phát biểu tại buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, 2 tỉnh đã thông tin tình hình triển khai thực hiện các Chương trình MTQG, những kết quả đạt được, khó khăn, vướng mắc và một số nội dung trao đổi, học tập kinh nghiệm.

Được biết, việc thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025, cả 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam đều triển khai 3 Chương trình: Xây dựng Nông thôn mới; Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số - miền núi và Giảm nghèo bền vững.

Đối với tỉnh Kon Tum, đến nay, toàn tỉnh có 42/85 xã đạt chuẩn NTM; có 04 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 01 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 20 thôn đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu và 32 thôn (làng) vùng đông bào DTTS đạt chuẩn thôn NTM. Có 180 sản phẩm OCOP, trong đó có 01 sản phẩm 5 sao, 06 sản phẩm tiềm năng 5 sao đang đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá.

Ước thực hiện đến hết năm 2023 có 05 xã ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số có đất ở ước đạt 98,55%, tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số có đất sản xuất ước đạt 98,45%.

Tổng số hộ thoát nghèo trong năm 2022 là 6.781 hộ, tương ứng tỷ lệ giảm hộ nghèo 4,46%, đạt 111,5% so kế hoạch. Dự kiến đến cuối năm 2023, tỷ lệ giảm nghèo đạt 4,04%, các huyện nghèo bình quân mỗi huyện giảm 10,5%, đạt kế hoạch đề ra.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam thông tin tình hình thực hiện các Chương trình MTQG của tỉnh
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam thông tin tình hình thực hiện các Chương trình MTQG của tỉnh.

Đối với tỉnh Quảng Nam, đến nay có 123/194 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ 63,4%, có 10 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 01 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 209 thôn được công nhận đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu/thôn NTM và 4 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 41,7 triệu đồng.

Đến cuối năm 2022, qua rà soát số hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm 3.981 hộ nghèo, tương ứng tỷ lệ giảm 0,96% so với số hộ nghèo năm 2021, vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao. Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm 7,7%; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 10,04%.

Tại buổi làm việc, qua trao đổi, các sở, ngành, địa phương của tỉnh Kon Tum và tỉnh Quảng Nam đều cho rằng, việc triển khai 03 Chương trình MTQG hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc; trong đó nguyên nhân chủ yếu đến từ công tác hoàn thiện thể chế, chính sách thực hiện các Chương trình MTQG từ Trung ương đến địa phương còn chậm, nhiều nội dung quy định, hướng dẫn chưa cụ thể, rõ ràng, chưa phù hợp với thực tiễn; ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện từ phân bổ, giao kế hoạch vốn, tổ chức thực hiện và giải ngân vốn các chương trình.

Xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn
Xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn.

Cụ thể, đối với Chương trình phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và miền núi có Tiểu dự án 2, Dự án 5 (về nguồn kinh phí để thực hiện Hợp đồng đặt hàng với cơ sở đào tạo); Tiểu dự án 1, Dự án 3 (về đối tượng khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung; về hỗ trợ gạo…); Đối với Chương trình giảm nghèo bền vững có Tiểu dự án 1, Dự án 4 (chưa có hướng dẫn cụ thể của Bộ LĐ-TB&XH về tiêu chí xác định người lao động có thu nhập thấp); Đối với Chương trình Xây dựng NTM có khó khăn cho các xã miền núi cao thuộc vùng đặc biệt khó khăn, khi đạt chuẩn NTM sẽ không được hưởng các chế độ an sinh xã hội (bảo hiểm y tế, hỗ trợ gạo cho học sinh, chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức....); tiến độ phê duyệt các mô hình điểm của Trung ương chậm, làm ảnh hưởng đến khâu phân bổ, giao, giải ngân kế hoạch vốn...

Huy động sức mạnh xã hội hóa để xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống của nhân dân, do nhà nước và nhân dân cùng chung sức, chung tay thực hiện
Huy động sức mạnh xã hội hóa để xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống của nhân dân, do nhà nước và nhân dân cùng chung sức, chung tay thực hiện.

Thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh Kon Tum, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Ngọc cảm ơn đoàn công tác của UBND tỉnh Quảng Nam đã lựa chọn tỉnh Kon Tum để có chuyến công tác, làm việc, học tập và chia sẻ kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện các Chương trình MTQG. Đồng chí bày tỏ, thông qua buổi làm việc này đã phần nào giúp tỉnh Kon Tum có thêm một số kinh nghiệm trong việc quản lý và áp dụng triển khai hiệu quả các Chương trình MTQG tại địa phương.

Đồng chí đề nghị các sở, ngành của tỉnh Kon Tum chủ động, tăng cường công tác trao đổi, chia sẻ, học tập kinh nghiệm với các cơ quan, đơn vị, địa phương của tỉnh Quảng Nam; đồng thời mong muốn lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tích cực giữ mối liên hệ, trao đổi kinh nghiệm với tỉnh Kon Tum để cùng nhau thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm, triển khai hiệu quả các Chương trình MTQG cũng như các mặt công tác chuyên môn khác.

Trọng Tâm - Văn Tân