Phú Thọ: Cơ cấu lại các Tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025

11:33 15/07/2022

Vừa qua, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành Kế hoạch số 2633/KH-UBND về việc hành động triển khai thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các Tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025 đối với Quỹ tín dụng nhân dân”.

 

Ảnh minh họa
Phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các QTDND ở mức dưới 1% trên tổng dư nợ.

Mục tiêu cụ thể nhằm phát triển hệ thống quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) theo đúng mục tiêu, tôn chỉ của loại hình tổ chức tín dụng (TCTD) là hợp tác xã theo quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế; hoạt động an toàn, hiệu quả, ổn định và bền vững đáp ứng yêu cầu về vốn, nâng cao khả năng tiếp cận tài chính của các thành viên QTDND, hướng tới mục tiêu chủ yếu là tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên phục vụ sản xuất, kinh doanh cải thiện đời sống, đặc biệt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và địa bàn có nhiều khó khăn.

Nhóm giải pháp cơ cấu lại tổ chức tín dụng: Tiếp tục chấn chỉnh, củng cố chất lượng, hiệu quả hoạt động QTDND (đặc biệt QTDND yếu kém) nhằm đảm bảo QTDND hoạt động theo đúng mục tiêu tôn chỉ của loại hình TCTD là hợp tác xã, nâng cao mức độ an toàn, hiệu quả ổn định và bền vững của QTDND, phù hợp với nhu cầu, quy mô, địa bàn, mức tăng trưởng kinh tế tại địa phương.

Trong đó rà soát, đánh giá, phân loại các QTDND theo 2 nhóm: Nhóm QTDND hoạt động bình thường; Nhóm QTDND hoạt động yếu kém, tiềm ẩn rủi ro có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn hoạt động ngân hàng, an ninh, trật tự xã hội tại địa phương.

Đối với một số QTDND yếu kém, QTDND được kiểm soát đặc biệt có quy mô nhỏ (lượng tiền gửi và người gửi tiền ít) hoặc QTDND không còn tiền gửi hoặc có tiền gửi trong hạn mức chi trả của bảo hiểm tiền gửi, có thể xem xét cho phép thí điểm việc xử lý pháp nhân các QTDND này thông qua phương án phá sản sau khi đã đánh giá đầy đủ tác động và nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh chính trị và an toàn hệ thống.

Nhóm giải pháp xử lý nợ xấu: Đánh giá chất lượng và khả năng thu hồi các khoản nợ để có biện pháp xử lý thích hợp; thực hiện trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu theo quy định của pháp luật; bổ sung, hoàn thiện hồ sơ pháp lý tài sản bảo đảm (TSBĐ); thu hồi nợ và xử lý TSBĐ; kiểm soát chặt chẽ và giảm chi phí hoạt động; tiếp tục triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa đối với nợ xấu phát sinh và nâng cao chất lượng tín dụng.

Chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đặc biệt là cơ quan Công an, Tòa án nhân dân, cơ quan Thi hành án các cấp trong quá trình xử lý TSBĐ để thu hồi nợ, nhằm đảm bảo thu hồi tối đa giá trị các khoản nợ.

PV