Phú Thọ: 6 tháng đầu năm kinh tế phục hồi tích cực

11:33 14/07/2022

Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 7,8%, đứng thứ 6/14 tỉnh vùng trung du miền núi, tạo đà để phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2022. Và 6 tháng đầu năm với điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức của dịch bệnh COVID-19, song dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo của các cấp ngành trong tỉnh, kinh tế của Phú Thọ tiếp tục phục hồi và phát triển nhanh chóng.

 

Sản xuất sản phẩm may mặc tại Công ty TNHH Seshin Việt Nam tại Phú Thọ
Sản xuất sản phẩm may mặc tại Công ty TNHH Seshin Việt Nam tại Phú Thọ.

Trong bối cảnh bình thường mới, để tạo điều kiện thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, cùng với triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID- 19, Phú Thọ đã tập trung chỉ đạo, đề cao trách nhiệm, quyết tâm cao nhất để cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm.

Cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã phát huy vai trò Ban chỉ đạo các dự án trọng điểm, triển khai hiệu quả công tác phối hợp giữa MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của người dân trong công tác giải phóng mặt bằng, thi công các dự án trọng điểm. Tập trung chỉ đạo điều chỉnh, bổ sung các cơ chế chính sách về giá đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư… để hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng. Chỉ đạo đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính gắn với cải thiện bảng xếp hạng các chỉ số PCI, PAR Index, PAPI, SIPAS, xây dựng chính quyền số, ứng dụng công nghệ thông tin với mục tiêu phục vụ người, doanh nghiệp ngày một tốt hơn.

Thống kê 6 tháng đầu năm 2022, kinh tế của tỉnh Phú Thọ tiếp tục bị tác động của dịch COVID-19; giá cả một số nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, thiếu hụt lao động, khó khăn về thị trường tiêu thụ đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trong điều kiện đó, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình; ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Phú Thọ; chú trọng tạo điều kiện để phục hồi phát triển kinh tế trong điều kiện bình thường mới.

UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương, kịp thời triển khai thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất về chế độ, chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí; gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; đẩy mạnh đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất công nghiệp... Nhiều doanh nghiệp đã chủ động khắc phục tác động tiêu cực của dịch bệnh với việc áp dụng giờ làm linh hoạt, đáp ứng thời hạn đơn hàng, chủ động cắt giảm chi phí sản xuất.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Giám đốc Sở Công Thương Phú Thọ cho biết: Chúng tôi đã chủ động phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Tranh thủ tối đa các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, hạ tầng năng lượng, thương mại dịch vụ nhằm hỗ trợ và thúc đẩy phát triển công nghiệp đặc biệt các ngành công nghiệp truyền thống có thế mạnh, lợi thế của tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư và phát triển sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa. Theo dõi, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng cụm, hạ tầng điện theo quy hoạch đảm bảo cung ứng đủ điện cho sản xuất, kinh doanh.

Với sự vào cuộc quyết liệt, 6 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh Phú Thọ ước tăng 13,28%, có 3/4 ngành công nghiệp cơ bản duy trì và có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 13,37% (cùng kỳ tăng 9,4%); ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt tăng 7,91% (cùng kỳ tăng 13,9%); cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 15,72% (cùng kỳ tăng 10,2%). Có 21 hợp tác xã và 515 doanh nghiệp thành lập mới, vốn đăng ký 7.200 tỷ đồng, tăng 26,8% và tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ; 214 doanh nghiệp hết thời gian tạm ngừng quay lại hoạt động; số lao động có việc làm tăng thêm ước đạt 9.927 người.

Nhờ thực hiện tốt công tác chỉ đạo, dân vận, giải quyết mọi vướng mắc từ cơ sở, 6 tháng đầu năm, tỉnh đã tập trung giải phóng mặt bằng 180ha các dự án hạ tầng trọng điểm. Tiếp tục ưu tiên các nguồn lực cho đầu tư hạ tầng kết nối quốc lộ với các khu công nghiệp, các tuyến đường giao thông trọng điểm như: Đường liên vùng kết nối đường Hồ Chí Minh với quốc lộ 70B, quốc lộ 32C tỉnh Phú Thọ đi Yên Bái; đường cao tốc Phú Thọ - Tuyên Quang; đường Âu Cơ… Cấp mới, điều chỉnh 42 dự án, trong đó có 3 dự án FDI, 6 dự án khu đô thị với vốn đăng ký 30.378 tỷ đồng.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong phát triển kinh tế của tỉnh những tháng đầu năm, đồng thời thực hiện tốt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra trong năm 2022, tỉnh đã đề ra các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp quyết liệt như: Tiếp tục thực hiện khâu đột phá về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Trong đó, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ lập và phê duyệt các quy hoạch; rà soát, bổ sung quy định về cơ chế, chính sách liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng… Tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh trong các ngành nghề, lĩnh vực; chỉ đạo, xử lý kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất công nghiệp, nhất là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo giải ngân 100% vốn kế hoạch trước ngày 31/1/2023…

PV