Phân khúc nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội sẽ là "điểm tựa" của thị trường bất động sản năm 2024

14:56 03/01/2024

Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, phân khúc nhà ở giá rẻ, trong đó hình thức chủ yếu là nhà ở xã hội sẽ trở thành điểm tựa cơ bản cho quá trình tái cấu trúc thị trường bất động sản.

Ảnh minh họa
Nhu cầu về nhà ở xã hội vẫn là một vấn đề cấp bách hiện nay

Nhu cầu về nhà ở xã hội vẫn là vấn đề cấp bách

Nhà ở xã hội và nhà ở giá rẻ có thể là một điểm tựa quan trọng cho thị trường bất động sản trong năm 2024. Bởi đây là phân khúc được kỳ vọng sẽ làm cân bằng nguồn cung của thị trường bất động sản trong bối cảnh hiện nay rất nhiều phân khúc neo ở mức giá quá cao không phù hợp với nhu cầu ở thực của đại đa số người dân.

Trong đó, tại  nhiều nước trên thế giới, nhu cầu về nhà ở xã hội vẫn là một vấn đề cấp bách. Các chính phủ và tổ chức phi chính phủ thường đưa ra các chính sách và biện pháp để đáp ứng nhu cầu này. Việc xây dựng và cung cấp nhà ở xã hội có thể tạo ra một lực đẩy mạnh mẽ cho thị trường bất động sản.

Như vậy, đô thị hóa và tăng dân số đang tạo ra áp lực lớn đối với hạ tầng đô thị. Để đáp ứng nhu cầu nhà ở của dân cư, các dự án phát triển hạ tầng và nhà ở giá rẻ có thể được khuyến khích và thúc đẩy. Việc đầu tư vào hạ tầng phục vụ cho các khu vực nhà ở giá rẻ có thể tạo ra cơ hội mới cho thị trường bất động sản.

Đây là phân khúc bất động sản được các cơ quan ban ngành quan tâm. Vậy nên, Chính phủ có thể áp dụng các chính sách hỗ trợ, như giảm thuế, cung cấp vốn tài trợ và khuyến khích các đối tác liên kết đầu tư vào nhà ở giá rẻ. Những chính sách này có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà phát triển bất động sản và người mua nhà, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của thị trường.

Đáng chú ý, trong những năm gần đây, nhận thức về bền vững và tiết kiệm năng lượng đã tăng lên. Nhà ở giá rẻ và nhà ở xã hội có thể được thiết kế và xây dựng với các tiêu chuẩn bền vững, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường và tiết kiệm chi phí vận hành. Sự tăng cường ý thức này có thể tạo ra nhu cầu lớn cho các dự án nhà ở giá rẻ và xã hội.

Tuy nhiên, phân khúc bất động sản nhà ở xã hội và nhà ở giá rẻ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như chính sách kinh tế, điều kiện tài chính và tình hình thị trường. Do đó, sự phát triển của thị trường bất động sản trong năm 2024 sẽ phức tạp và cần xem xét nhiều yếu tố khác nhau.

Nhà ở xã hội vẫn chiếm ưu thế ở trên thị trường 

Theo nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, trong bối cảnh thị trường bất động sản rơi vào tình trạng “đóng băng” việc đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường trên quan điểm phải gắn với chiến lược phát triển nhà ở quốc gia mà trọng tâm là phát triển nhà ở xã hội, góp phần giải quyết lệch pha cung-cầu, điều chỉnh cơ cấu hàng hóa hợp lý.

“Hiện, bất động sản vẫn trong tình trạng thiếu nguồn cung nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội và nhà ở giá vừa túi tiền. Trong khi nhu cầu với phân khúc này của người dân rất lớn’, ông Dũng nói.

Về vấn đề này, ông Trần Quốc Khánh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng nhà ở xã hội vẫn chiếm ưu thế ở trên thị trường trong thời gian tới. Đối với nhà ở thương mại, vị này cho biết có khoảng 47% các dự án đã triển khai vẫn đang gặp phải vướng mắc liên quan đến thủ tục pháp lý. Trong đó thì vướng mắc về việc dự án phải có đất ở để được chấp thuận chủ đầu tư là vướng mắc lớn nhất.

Ông Khánh khẳng định với những dự án nhà ở thương mại mới thì hy vọng việc hoàn thiện luật tới đây sẽ giúp cho các dự án dễ dàng hơn trong việc phát triển.

TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia
TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia.

Trong khi đó, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia phân tích, khác với cuộc khủng hoảng năm 2011 là dư cung, cuộc khủng hoảng trên thị trường bất động sản hiện nay là dư cầu.

"Đặc điểm của khủng hoảng dư cầu bao giờ cũng kết thúc nhanh hơn khủng hoảng dư cung. Nhưng cần nhấn mạnh rằng, dư cầu ở phân khúc nhà ở trung cấp và bình dân", ông Nghĩa lý giải.

Ông Nghĩa cho rằng, sự hỗ trợ của Chính phủ cho phân khúc nhà ở giá rẻ nên theo hướng không làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của các nhà đầu tư phát triển dự án và không buộc họ phải chịu ràng buộc bởi các chính sách về đối tượng được thụ hưởng nhà ở xã hội.

"Nói cách khác, phải giải phóng doanh nghiệp bất động sản tham gia phân khúc nhà ở giá rẻ khỏi các ràng buộc của chính sách khuyến khích, ngoài việc miễn thuế, quyền sử dụng đất và hạn mức tín dụng đầy đủ với lãi suất hợp lý", TS. Lê Xuân Nghĩa đề xuất.

Cùn quan điểm trên, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, để khuyến khích các chủ đầu tư quan tâm thực hiện các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân các khu công nghiệp cần xác định về mặt nguyên tắc, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân là nhà ở do Nhà nước hoặc tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng để cho các đối tượng được Chính phủ quy định thuê hoặc thuê mua.

"Do vậy, Chính phủ cần xác định rõ đề bài, để các địa phương hỗ trợ tối đa cho các chủ đầu tư trong việc chuẩn bị hồ sơ, đấu thầu, giải phóng mặt bằng, xây dựng", ông Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

Tháng 4 năm 2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định 388/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030". Đồng thời, Chính phủ đã thông qua gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, cho vay ưu đãi đối với người mua NOXH.

Theo dự báo của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam (VIRES), nguồn cung thị trường căn hộ chung cư sẽ tăng trung bình khoảng 20 - 25%/năm trong giai đoạn phục hồi 2024 - 2026, nhu cầu và tỷ lệ hấp thụ trung bình đạt mức cao 9 - 96% so với mức 88 - 89% giai đoạn 2020 - 2021.

Tại Hà Nội và TPHCM, nguồn cung căn hộ chung cư giai đoạn 2024 - 2026 sẽ khôi phục mức 70.000 - 85.000 căn/năm (tương đương thời điểm trước dịch COVID-19) với giá trị tương đương khoảng 4.000 - 5.000 tỷ đồng/năm.

Cơ cấu nguồn cung sẽ ngày càng đa dạng nhờ xu hướng mở rộng của các chủ đầu tư phía Nam ra phía Bắc; sự sôi động của hoạt động mau bán – sáp nhập (M&A) và sự phát triển của các thị trường vùng ven Hà Nội và TPHCM. Tuy nhiên, sẽ có sự phân hóa về nguồn cung và tỷ lệ hấp thụ theo từng phân khúc.

Trong đó đáng chú ý là việc Quốc hội thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV với nhiều quy định mới gỡ "nút thắt" cho người mua và chủ đầu tư phát triển dự án NƠXH, được kỳ vọng sẽ tạo sức hấp dẫn, thu hút thêm nhiều DN tham gia phát triển, tạo điều kiện cũng như tăng khả năng tiếp cận loại hình nhà ở này cho người thu nhập thấp mua nhà.

Nghệ Nhân