Những chiến lược phát triển các thị trường trong khu vực châu Âu - châu Mỹ

15:07 20/02/2024

Theo dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của các nền kinh tế hàng đầu tại khu vực châu Âu - châu Mỹ phần lớn sẽ ở mức dưới 2,5%, đây là một yếu tố cần được xem xét khi phát triển chiến lược thị trường cho các doanh nghiệp.

Bộ Công Thương đã đưa ra 4 Chiến lược phát triển các thị trường trong khu vực châu Âu - châu Mỹ, bao gồm Hoa Kỳ, EU, Mỹ Latin và SNG (Cộng đồng các Quốc gia Độc lập), nhằm điều chỉnh và thích nghi với biến động không ngừng của tình hình thị trường thế giới cũng như xu hướng mới trong thương mại quốc tế. Đây là một phần của nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh thương mại quốc tế đang đối mặt với nhiều khó khăn.

Năm 2023, thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và các nước trong khu vực châu Âu - châu Mỹ đã ghi nhận sự sụt giảm đáng kể. Có nhiều nguyên nhân góp phần vào sự suy giảm này, bao gồm ảnh hưởng trực tiếp từ sự giảm sút của kinh tế toàn cầu vào nửa đầu năm và sự phục hồi chậm chạp, không đồng đều của các nền kinh tế trên thế giới vào nửa cuối năm 2023.

Những chiến lược phát triển các thị trường trong khu vực châu Âu - châu Mỹ
Những chiến lược phát triển các thị trường trong khu vực châu Âu - châu Mỹ.

Theo dự báo của IMF, tốc độ tăng trưởng GDP của các nền kinh tế hàng đầu tại khu vực châu Âu - châu Mỹ phần lớn sẽ ở mức dưới 2,5%, đây là một yếu tố cần được xem xét khi phát triển chiến lược thị trường cho các doanh nghiệp.

Bộ Công Thương đã chủ động triển khai các biện pháp như đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu và đa dạng hóa kênh xuất khẩu hàng Việt Nam để hỗ trợ doanh nghiệp. Bộ cũng đã tập trung vào việc hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác xúc tiến thương mại, tháo gỡ khó khăn và mở rộng thị trường tại khu vực châu Âu - châu Mỹ thông qua hệ thống Thương vụ Việt Nam. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp tận dụng cơ hội và đối phó với thách thức từ tình hình thương mại quốc tế khó khăn.

Với mục tiêu tận dụng tối đa thuận lợi và giảm thiểu tác động của các thách thức trên đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, Bộ Công Thương cho biết sẽ triển khai 4 nhóm giải pháp lớn về thị trường và doanh nghiệp trong năm 2024:

Thứ nhất, theo dõi sát tình hình thị trường, kịp thời nắm bắt thông tin về tình hình, biến động về kinh tế, chính trị, chính sách trong khu vực và trên thế giới ảnh hưởng tới thương mại với Việt Nam, từ đó kịp thời đưa ra cảnh báo cho cộng đồng doanh nghiệp và tham mưu cho Chính phủ các phản ứng chính sách phù hợp. Tăng cường cung cấp thông tin cập nhật về biến động và xu hướng của các thị trường xuất/nhập khẩu lớn, kèm theo các đánh giá về cơ hội, thách thức để doanh nghiệp xây dựng các chiến lược/ kế hoạch thích ứng phù hợp.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Thứ hai, về nhóm giải pháp phát triển thị trường, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bên liên quan, hiệp hội, doanh nghiệp, địa phương triển khai 4 Chiến lược phát triển 4 khu vực thị trường từ nay tới năm 2030, theo đó đồng bộ thực hiện các giải pháp về thông tin thị trường, tận dụng FTA đã ký kết, cũng như các khung khổ hợp tác sẵn có để đa dạng hóa thị trường, mặt hàng và kênh phân phối.

Thứ ba, về nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, công tác hỗ trợ doanh nghiệp được triển khai theo hướng cụ thể và sâu sát theo từng thị trường và ngành hàng, tập trung vào: Tăng cường nhận thức của doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu về các hướng tiếp cận mới với kinh tế tuần hoàn, sản xuất và tiêu dùng bền vững, nhằm mục đích thay đổi tư duy sản xuất của doanh nghiệp, khuyến khích áp dụng công nghệ, sử dụng năng lượng tái tạo để đáp ứng tiêu chuẩn và quy định ngày càng khắt khe của các nước phát triển; Khắc phục những hạn chế của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay như: thông tin thị trường, khả năng tự chủ nguyên phụ liệu, năng lực sản xuất để đảm bảo yêu cầu thị trường, xây dựng thương hiệu… Huy động hệ thống chuyên gia để huấn luyện và phổ biến cho doanh nghiệp về các tiêu chuẩn, quy định mới của thị trường xuất khẩu.

Thứ tư, chỉ đạo, phối hợp với hệ thống Thương vụ đẩy mạnh công tác vận động chính sách, phát triển thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tốt thị trường, tận dụng các Hiệp định thương mại tự do, tháo gỡ khó khăn và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp.

P.V (t/h)