Nhật Bản nỗ lực ngăn chặn vị thế độc quyền của Apple và Google

10:35 17/06/2023

Android của Google và iOS của Apple hiện thống trị thị trường hệ điều hành, khách hàng có rất ít sự lựa chọn ngoài việc sử dụng các cửa hàng ứng dụng của họ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Theo hãng tin Kyodo, Chính phủ Nhật Bản thông báo kế hoạch thực thi một luật mới, điều chỉnh quy định đối với các cửa hàng ứng dụng điện thoại thông minh nhằm tạo thuận lợi cho các nhà phát triển khác tiếp cận thị trường dễ dàng hơn cũng như tăng khả năng cạnh tranh trong bối cảnh Apple và Google vẫn độc quyền trong lĩnh vực này.

Giới chức Nhật Bản cho biết, luật mới sẽ buộc các nhà cung cấp hệ điều hành di động thông minh lớn nhất gồm Apple và Google cho phép các cửa hàng ứng dụng của bên thứ 3 chạy trên các hệ điều hành này nếu được xác định là an toàn. Bên cạnh đó, luật mới sẽ không cho phép các nhà điều hành buộc các nhà phát triển ứng dụng phải sử dụng cổng thanh toán của họ và có thể áp dụng hình phạt nếu vi phạm.

Sau khi nghe về kế hoạch của chính phủ, văn phòng Apple tại Nhật Bản cho biết trong một tuyên bố rằng, họ “phản đối” nhiều đề xuất, lưu ý rằng chúng “gây rủi ro” cho khả năng hỗ trợ các nhà phát triển ứng dụng của công ty cũng như bảo vệ quyền riêng tư và bảo mật của người dùng. Apple cho biết họ sẽ tiếp tục thảo luận với chính phủ.

Việc tăng cường quy định cũng được đưa ra sau khi Google kêu gọi chính phủ có lập trường thận trọng vì lợi ích của người tiêu dùng và không ngăn cản động cơ đổi mới của các nhà phát triển.

Hiện tại, Android của Google và iOS của Apple thống trị thị trường hệ điều hành, khách hàng có rất ít sự lựa chọn ngoài việc sử dụng các cửa hàng ứng dụng Google Play và App Store tương ứng của họ.

Tương tự, các nhà phát triển ứng dụng có ít lựa chọn ngoài việc tuân thủ các chính sách và quy tắc được thi hành trên nền tảng bán hàng của hai gã khổng lồ công nghệ này. 

Apple và Google đã bị Ủy ban Thương mại Công bằng Nhật Bản (JFTC) điều tra kể từ tháng 10.2021, chủ yếu liên quan đến vị thế thống trị cửa hàng ứng dụng của họ.

Cơ quan quản lý của Nhật hiện đã công bố những phát hiện của mình, trong đó chỉ trích việc "lạm dụng vị thế" của cả hai công ty.

JFTC nói rằng, các mô hình kinh doanh hiện tại của cả hai công ty là một "vấn đề”, theo AMA - Đạo luật chống độc quyền của đất nước mặt trời mọc.

Các quan chức cho biết, do tình trạng độc quyền, các khoản phí mà các nhà phát triển ứng dụng phải trả cho các nhà điều hành cửa hàng ứng dụng vẫn tăng cao và quá trình sàng lọc không đủ minh bạch.

Việc mở ra cơ hội hoạt động cho các cửa hàng ứng dụng mới lần này cũng làm dấy lên lo ngại về vấn đề an toàn, do tiềm ẩn rủi ro đối với bảo mật dữ liệu cá nhân và có thể tạo điều kiện cho những ứng dụng độc hại lây lan.

Minh Anh (t/h)