Nhật Bản huy động 107 tỷ USD phát triển nguồn cung hydro cho chuyển đổi xanh

17:34 09/06/2023

Trong Sách trắng Năng lượng mới nhất Nhật Bản vừa phát hành, hydro được chỉ định là một nguyên liệu chủ chốt để thúc đẩy quá trình khử carbon trong nhiều lĩnh vực.

Chính phủ Nhật Bản ngày 6/6 đã quyết định thực hiện kế hoạch huy động từ khu vực công và tư nhân 15.000 tỷ yen (107 tỷ USD) để đầu tư phát triển nguồn cung hydro trong giai đoạn 15 năm, nhằm thúc đẩy việc sử dụng nhiên liệu hydro và đẩy nhanh quá trình giảm phát thải carbon.

Trong sách trắng năng lượng mới nhất của Nhật Bản được phát hành cùng ngày, hydro được chỉ định là một nguyên liệu chủ chốt để thúc đẩy quá trình khử carbon trong nhiều lĩnh vực.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Theo Chiến lược Hydro Cơ bản sửa đổi, được thông qua tại cuộc họp giữa các bộ trưởng liên quan, Nhật Bản có kế hoạch tăng nguồn cung hydro đạt 3 triệu tấn vào năm 2030 và đạt khoảng 12 triệu tấn vào năm 2040. Đến năm 2050, nguồn cung hydro của Nhật Bản dự kiến sẽ đạt khoảng 20 triệu tấn, tức là gấp 10 lần so với mức 2 triệu tấn của hiện tại. Vì hydro không thải ra carbon dioxide (CO2) hoặc các loại khí nhà kính khác khi đốt cháy, nên có thể cắt giảm đáng kể lượng khí thải bằng cách trộn hydro với khí tự nhiên tại các nhà máy nhiệt điện hoặc bằng cách đốt hydro làm nhiên liệu.

Với việc triển khai kế hoạch mang tầm chiến lược này, Chính phủ Nhật Bản khuyến khích các công ty tham gia tích cực hơn vào các sáng kiến hydro với mục đích hiện thực hóa việc thương mại hóa sản xuất điện hydro vào năm 2030. Đất nước Mặt trời mọc đã xây dựng chiến lược hydro vào năm 2017 trước nhiều quốc gia khác và các công ty như Toyota đã cam kết xây dựng các thành phố tương lai được hỗ trợ bởi công nghệ này.

Chiến lược khử carbon của Nhật Bản tập trung vào việc sử dụng than sạch, hydro và hạt nhân làm cầu nối cho quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Và, các nhà lãnh đạo Nhật Bản nhận thấy sự cần thiết phải chuyển sang giai đoạn "xã hội hydro", kỳ vọng nhiên liệu này có thể trở thành nhân tố then chốt trong bảo đảm an ninh năng lượng và chống biến đổi khí hậu.

Ngọc Phi (TH)