![]() |
Đồng USD suy yếu đang gây xáo trộn thị trường tiền tệ châu Á. |
Sự suy yếu của đồng USD đang gây ra làn sóng biến động mạnh trong thị trường ngoại hối châu Á, khiến một loạt đồng nội tệ tăng giá mạnh và buộc các ngân hàng trung ương trong khu vực phải can thiệp để hạn chế đà tăng quá mức.
Theo đó, hôm 2/5, Cơ quan Tiền tệ Hồng Kông (HKMA) đã thực hiện đợt can thiệp lớn nhất lịch sử, bán ra 46,5 tỷ đô la Hồng Kông để ngăn đà tăng giá của đồng tiền này, qua đó bảo vệ biên độ neo tỷ giá đã tồn tại suốt 42 năm.
Tại Đài Loan (Trung Quốc), đồng TWD cũng tăng 3% trong một ngày – mức mạnh nhất kể từ năm 1988 – khiến Ngân hàng Trung ương tại đây buộc phải “can thiệp vào thời điểm thích hợp” để ổn định thị trường. Các nhà xuất khẩu địa phương đã ồ ạt bán ra USD để đổi lấy nội tệ do lo ngại đồng USD tiếp tục suy yếu.
Đồng thời, nhân dân tệ giao dịch ở nước ngoài (offshore yuan) cũng bật tăng lên mức mạnh nhất kể từ tháng 11, bất chấp thị trường trong nước tại Trung Quốc đóng cửa nghỉ lễ.
Nguyên nhân sâu xa nằm ở làn sóng tháo chạy khỏi tài sản Mỹ, khi giới đầu tư ngày càng lo ngại về rủi ro suy thoái kinh tế và tác động lạm phát từ các chính sách thuế quan của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Số liệu tuần trước cho thấy vị thế bán ròng USD của giới đầu cơ đã lên cao nhất kể từ tháng 9/2024, cho thấy tâm lý “bán Mỹ, mua châu Á” đang lấn át trên thị trường.
“Cách tự nhiên để giải tỏa căng thẳng thương mại chính là để đồng USD xì hơi. Và vì vậy, đặt cược vào khả năng đồng USD giảm thêm so với tiền tệ châu Á là chiến lược hợp lý”, ông Brad Bechtel – Giám đốc Toàn cầu mảng FX tại Jefferies, nhận định.
Ngoài ra, chỉ số Bloomberg về tiền tệ châu Á cũng ghi nhận mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2022. Một chỉ báo khác về lợi suất từ các đồng tiền thị trường mới nổi cũng đã đóng cửa ở mức cao kỷ lục.
Sự tăng giá của tiền tệ có thể hạ giá nhập khẩu và thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, nhưng đồng thời đe dọa khả năng cạnh tranh xuất khẩu – yếu tố sống còn với các nền kinh tế dựa vào thương mại như Hàn Quốc, Malaysia và Thái Lan. Các đồng won, ringgit và baht đều đã tăng hơn 1% trong ngày thứ Sáu (2/5).
Đối với các nhà xuất khẩu châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc), việc chuyển hướng dự trữ từ USD sang nội tệ đang trở thành chiến lược mới khi đồng bạc xanh mất dần sức hấp dẫn.
Các chuyên gia tại Goldman Sachs nhận định: “Với việc USD chịu áp lực và nguy cơ giảm lãi suất do kinh tế Mỹ suy yếu, phần thưởng cho việc giữ USD đang ngày càng mờ nhạt. Yuan, TWD và ringgit có khả năng sẽ tiếp tục tăng”.
Dù báo cáo việc làm tại Mỹ hồi cuối tuần vừa qua đã vượt kỳ vọng, nhiều tổ chức lớn vẫn tỏ ra bi quan về triển vọng của đồng USD. Tuy nhiên, Goldman Sachs nhận định con số này chỉ “phản ánh quá khứ hơn là tương lai”.
Morgan Stanley thậm chí còn cho rằng thị trường sẽ tiếp tục bán khống đồng USD, khi đường cong lợi suất Mỹ đang có dấu hiệu bull-steepening – tín hiệu cho thấy nhà đầu tư đang đặt cược vào khả năng cắt giảm lãi suất trong tương lai.