![]() |
Nhật Bản đang có “át chủ bài” nào trong đàm phán thương mại với Mỹ? |
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Katsunobu Kato hôm thứ Sáu (2/5) đã lần đầu tiên công khai đề cập đến khả năng sử dụng kho dự trữ trái phiếu kho bạc Mỹ, trị giá hơn 1.000 tỷ USD, như một công cụ mặc cả trong các cuộc đàm phán thương mại với Washington. Dù không trực tiếp đe dọa sẽ bán tháo, phát ngôn của ông đánh dấu một bước thay đổi rõ rệt trong cách Tokyo xử lý đòn “cân não” thương mại với chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Phát biểu trên truyền hình quốc gia, Bộ trưởng Kato cho biết mục đích chính của việc nắm giữ khối lượng lớn trái phiếu Mỹ là để duy trì thanh khoản, đặc biệt trong các trường hợp can thiệp tỷ giá đồng yên. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh: “Chúng tôi rõ ràng cần đặt mọi quân bài lên bàn đàm phán. Trái phiếu có thể là một trong số đó. Việc có sử dụng lá bài đó hay không lại là chuyện khác”.
Lời bình luận của ông Kato được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang, sau khi Tổng thống Trump ngày 2/4 bất ngờ công bố gói thuế đối ứng áp lên hàng hóa từ các đối tác thương mại, bao gồm cả Nhật Bản. Động thái này đã khiến thị trường trái phiếu Mỹ chứng kiến làn sóng bán tháo lớn nhất trong nhiều năm, làm lợi suất tăng vọt và gây lo ngại trong giới đầu tư toàn cầu.
Dù trước đó từng bác bỏ ý tưởng sử dụng trái phiếu Mỹ trong đàm phán, ông Kato lần này đã không loại trừ khả năng. Khi được hỏi liệu vấn đề này có được thảo luận trong cuộc gặp song phương với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent tuần trước hay không, ông từ chối bình luận, nhưng thừa nhận sự hỗn loạn trên thị trường trái phiếu “chắc chắn đã tác động tới cách Mỹ tiếp cận đàm phán”.
Hiện tại, chưa có dấu hiệu nào cho thấy Nhật Bản hoặc Trung Quốc – hai chủ nợ lớn nhất của Mỹ – sẽ bán tháo lượng nắm giữ. Trên thực tế, lượng trái phiếu Mỹ do nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ đã tăng 3,4% trong tháng Hai, theo dữ liệu từ Bộ Tài chính Mỹ. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng chỉ cần gợi ý về khả năng sử dụng đòn bẩy này cũng đủ để tạo áp lực tâm lý lên chính quyền Washington.
Ông Martin Whetton, chuyên gia tại ngân hàng Westpac, nhận định: “Chơi quân bài này vào thời điểm thị trường còn đang nhạy cảm là bước đi khôn ngoan. Nhật Bản không cần làm gì cả, chỉ cần cho thấy mình có vị thế mặc cả vững chắc”.
Ông Ryosei Akazawa, trưởng đoàn đàm phán thương mại Nhật Bản, cũng xác nhận các cuộc thảo luận với Mỹ đang đi sâu vào nhiều chủ đề như thuế quan, các rào cản phi thuế và hợp tác an ninh kinh tế, và cuộc gặp tiếp theo giữa hai bên dự kiến diễn ra vào giữa tháng Năm.
![]() |
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Katsunobu Kato. |
Ngoài vấn đề thương mại, Nhật Bản cũng đang chịu chỉ trích từ phía Mỹ khi ông Donald Trump cáo buộc Tokyo cố tình làm yếu đồng yên để tăng lợi thế xuất khẩu – một cáo buộc mà Tokyo kiên quyết bác bỏ. Ông Kato cho biết cuộc gặp vừa qua với Bộ trưởng Bessent không đề cập tới bất kỳ khung kiểm soát tỷ giá nào.
Theo ông Naka Matsuzawa, chiến lược gia trưởng tại Nomura Securities, việc nắm giữ trái phiếu Mỹ nên được coi là “quân bài mặc cả, nếu không muốn nói là át chủ bài”. Ông cho rằng chỉ cần Nhật tỏ ý sẵn sàng sử dụng lá bài này là đủ để làm dịu các yêu sách bất hợp lý từ phía Mỹ.
Dù vậy, việc thực sự bán tháo trái phiếu có thể gây tổn hại nghiêm trọng cho chính Nhật Bản và Trung Quốc, do giá trị tài sản nắm giữ sẽ giảm mạnh, và thị trường tài chính toàn cầu có thể bị chấn động. Ông Nathan Sheets, cựu Thứ trưởng Tài chính Mỹ, nhận xét: “Đây từng là điều không tưởng. Nhưng bây giờ, chỉ riêng việc phải tính đến khả năng ấy đã cho thấy thế giới đang thay đổi”.