![]() |
Thuế quan của Mỹ tác động đến “con hổ châu Á” Hàn Quốc như thế nào? |
Nền kinh tế Hàn Quốc đã ghi nhận sự suy giảm trong quý I/2025, khi tiêu dùng trong nước bị ảnh hưởng bởi bất ổn chính trị nghiêm trọng, trong khi các doanh nghiệp ngày càng lo ngại về thuế quan của Tổng thống Donald Trump áp lên hàng xuất khẩu sang Mỹ.
Theo dữ liệu được Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) công bố vào thứ Năm (24/4) (trước thời điểm các bộ trưởng cấp cao của nước này gặp gỡ phía Mỹ để đàm phán thương mại), GDP Hàn Quốc đã giảm 0,2% so với quý trước, và giảm 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tăng trưởng âm diễn ra trong bối cảnh lo ngại về cuộc thương chiến Mỹ - Trung và mức thuế 25% mà chính quyền ông Donald Trump áp lên thép nhập khẩu từ Hàn Quốc vào giữa tháng 3/2025.
Theo đó, tiêu dùng nội địa Hàn Quốc đã giảm 0,1%, khi người dân cắt giảm chi tiêu do khủng hoảng chính trị, gây ra bởi nỗ lực thất bại của Tổng thống Yoon Suk Yeol trong việc áp đặt thiết quân luật hồi tháng 12/2024. Tổng thống Yoon đã bị bãi nhiệm trong tháng này, buộc Hàn Quốc phải tổ chức bầu cử tổng thống mới vào ngày 3/6 tới.
Ngoài ra, đầu tư xây dựng và cơ sở vật chất lần lượt giảm 3,2% và 2,1%, trong khi xuất khẩu cũng giảm 1,1%.
Ông Kim Jin-wook, nhà kinh tế học tại Citigroup nhận định: “Chính phủ đã không phản ứng kịp thời với đà giảm của nền kinh tế do khoảng trống lãnh đạo. Hàn Quốc là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, vì phụ thuộc lớn vào cả hai thị trường”.
Theo số liệu thống kê, Mỹ và Trung Quốc hiện là hai đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc.
![]() |
Đồng won của Hàn Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong 16 năm so với đồng đô la (Ảnh: Tradingview). |
Triển vọng tăng trưởng của Hàn Quốc đã trở nên ảm đạm kể từ khi Tổng thống Donald Trump, trong tháng này, áp đặt mức thuế 25% lên ô tô và linh kiện ô tô, vốn chiếm gần một phần ba lượng hàng xuất khẩu của nước này sang Mỹ.
BoK đã cảnh báo hồi tuần trước rằng, nền kinh tế đang đối mặt với nhiều rủi ro giảm phát đáng kể do chính sách thương mại của ông Trump. Đáng chú ý, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong tuần này cũng đã hạ dự báo tăng trưởng của Hàn Quốc xuống chỉ còn 1%, từ mức 2% hồi tháng 1/2025.
Ngoài thuế đối với ô tô, Mỹ còn áp đặt mức thuế 10% lên toàn bộ hàng nhập khẩu từ Hàn Quốc, một mức thuế áp dụng chung cho tất cả các đối tác thương mại của Washington.
Bộ trưởng Tài chính Choi Sang-mok, và Bộ trưởng Công nghiệp Ahn Duk-geun dự kiến gặp gỡ các đối tác Mỹ tại Washington trong ngày thứ Năm (24/4) để đàm phán về thuế quan. Ông Ahn cho biết sẽ tìm cách đạt được thỏa thuận nhanh chóng về việc dỡ bỏ hoặc giảm thuế đối với xe và linh kiện ô tô.
Quyền Tổng thống Han Duck-soo chia sẻ với tờ Financial Times tuần trước rằng, Hàn Quốc sẽ “không đáp trả” thuế quan của Tổng thống Trump, và viện dẫn “món nợ lịch sử” với Mỹ. Thay vào đó, Seoul sẽ theo đuổi “những giải pháp mang lại lợi ích cho cả hai bên”.
Dữ liệu hải quan Hàn Quốc công bố hôm thứ Hai (21/4) cho thấy chính sách thuế quan của Washington đã bắt đầu gây ra ảnh hưởng rõ rệt: xuất khẩu của nước này trong 20 ngày đầu tháng 4 đã giảm 5,2% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu sang Mỹ giảm tới 14,3%, còn với Trung Quốc giảm 3,4%.
Mặc dù mức thuế 145% mà ông Trump áp lên hàng hóa Trung Quốc có thể tạo cơ hội cho Hàn Quốc thế chỗ, các nhà phân tích cảnh báo rằng thương mại với Trung Quốc cũng đang chịu tác động từ sự suy giảm của nền kinh tế nước này.
Ông Kim từ Citigroup nhận định: “Chúng ta đang ở giai đoạn đầu của một cuộc khủng hoảng kinh tế do nguy cơ suy thoái toàn cầu. Ngay cả khi đàm phán Hàn-Mỹ đạt kết quả tốt, kinh tế vẫn khó phục hồi nếu cuộc chiến thuế quan Mỹ-Trung tiếp tục”.
Để đối phó với ảnh hưởng từ thuế quan, Chính phủ Hàn Quốc đang chuẩn bị một ngân sách bổ sung trị giá 12.000 tỷ won (tương đương 8,4 tỷ USD), nhưng các nhà kinh tế cho rằng khoản tiền này vẫn chưa đủ để bù đắp hoàn toàn cho thiệt hại thương mại.
Ngoài ra, BoK tuần trước đã giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 2,75%, đồng thời phát tín hiệu rằng họ có thể cắt giảm lãi suất trong các quý tới để hỗ trợ tăng trưởng.
Đồng won của Hàn Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong 16 năm so với đồng đô la, trong khi nợ hộ gia đình cao cũng gây sức ép lên tiêu dùng nội địa.
“Cần có thêm hỗ trợ chính sách để vực dậy nền kinh tế, nhưng BoK sẽ không thể đạp mạnh chân ga vì các rào cản về tỷ giá hối đoái và nợ hộ gia đình”, nhà phân tích Park Jeong-woo của Nomura cho biết.
![]() Mức thuế quan cao kỷ lục đang khiến nhiều nhà xuất khẩu Trung Quốc ngừng vận chuyển hàng hóa sang Mỹ, chuyển hướng sang thị trường mới như Trung Đông, Đông Nam Á để tránh lỗ và duy trì dòng tiền. |
Tỷ phú Richard Branson cảnh báo chính sách thuế "thiếu ổn định" của Mỹ đang đe dọa ngành hàng không và kinh tế toàn cầu, trong bối cảnh Virgin Atlantic mở rộng mạng lưới bay sang châu Á. |
![]() IMF cảnh báo thuế quan đối ứng của Mỹ có thể đẩy nợ công toàn cầu lên mức kỷ lục 117% GDP vào năm 2027 – mức cao nhất kể từ Thế chiến II, nếu các nước không siết chặt kỷ luật tài khóa. |