Trong diễn biến mới nhất của căng thẳng thương mại Mỹ - EU, ba nguồn thạo tin tiết lộ với tờ Financial Times rằng Tổng thống Donald Trump đã yêu cầu mức thuế “tối thiểu” từ 15 - 20% áp dụng đối với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ châu Âu như một phần của bất kỳ thỏa thuận nào đạt được giữa hai bên.
![]() |
Mỹ tăng áp lực thương mại với EU bằng đe dọa thuế 15 – 20% |
Đây là bước leo thang rõ rệt so với đề xuất trước đó, duy trì mức thuế 10% làm cơ sở cho một thỏa thuận khung. Theo các quan chức có mặt tại các vòng đàm phán, Tổng thống Donald Trump đã bác bỏ đề xuất nhượng bộ mới nhất từ phía Liên minh châu Âu (EU), bao gồm cả kế hoạch hạ thuế xe nhập khẩu từ Mỹ, và sẵn sàng giữ nguyên thuế 25% với ngành ô tô như đã lên kế hoạch trước đó.
Ông Maroš Šefčovič - Ủy viên thương mại EU đã thể hiện thái độ bi quan sau các cuộc gặp gần đây tại Washington, khi báo cáo với các đại sứ EU vào thứ Sáu (11/7) rằng “không có bước tiến nào đáng kể”. Trong khi đó, một quan chức Mỹ tiết lộ chính quyền của ông Trump đang cân nhắc một mức thuế đối ứng vượt quá 10%, ngay cả khi đạt được thỏa thuận.
Tình thế hiện tại đặt EU vào thế khó xử. Nếu không đạt được thỏa thuận trước ngày 1/8, Mỹ sẽ áp thuế 30% lên toàn bộ hàng hóa từ châu Âu. Dù Brussels đã cảnh báo sẽ trả đũa, các nước thành viên vẫn còn chia rẽ về quy mô và hình thức phản ứng.
“Chúng tôi không muốn chiến tranh thương mại, nhưng chưa rõ liệu Mỹ có để cho chúng tôi một lựa chọn nào khác không”, một nhà ngoại giao cấp cao của EU nói.
Thủ tướng Đức Friedrich Merz cũng bày tỏ nghi ngại về hướng đi của đàm phán. Ông nói: “Việc có thể tạo ra các quy tắc phân ngành, đối xử khác nhau giữa các lĩnh vực, vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ. Phía châu Âu ủng hộ điều này, nhưng phía Mỹ lại thận trọng hơn”.
Một nhà ngoại giao khác của EU khẳng định “không thể chấp nhận mức thuế cơ bản 15%”, và cho biết tâm lý trong nội bộ khối “đã chuyển mạnh theo hướng trả đũa”.
Từ đầu tháng 4/2025, ông Donald Trump đã áp thuế đối ứng cao với hầu hết các đối tác thương mại, sau đó tạm giảm còn 10% trong thời hạn 90 ngày để đàm phán. Dù vậy, thị trường chứng khoán Mỹ vẫn tiếp tục lập đỉnh, bất chấp cảnh báo của giới kinh tế về nguy cơ lạm phát do chi phí nhập khẩu tăng.
Bên cạnh đó, chỉ số giá tiêu dùng Mỹ (CPI) tháng gần nhất chỉ tăng nhẹ, tạo điều kiện để ông Trump tiếp tục chính sách cứng rắn. Trong quý II/2025, Mỹ đã thu về gần 50 tỷ USD tiền thuế hải quan bổ sung, đồng thời hầu như không vấp phải biện pháp trả đũa nào đáng kể từ các đối tác lớn.
Trong khi đó, EU đã lên sẵn kế hoạch nhiều gói thuế trả đũa, nhưng liên tục hoãn thi hành vì chờ kết quả đàm phán. Gói đầu tiên trị giá 21 tỷ euro hàng hóa nhập từ Mỹ, sẽ có hiệu lực từ ngày 6/8, nếu các vòng thương lượng không mang lại đột phá.
Ủy ban châu Âu, cơ quan điều hành chính sách thương mại của khối, cũng đã đề xuất các biện pháp bổ sung, bao gồm thuế với 72 tỷ euro hàng hóa Mỹ, như máy bay Boeing và rượu bourbon, cùng một danh sách mới đang được chuẩn bị để áp lên dịch vụ kỹ thuật số và quảng cáo trực tuyến.
Hiện các mặt hàng xuất khẩu chịu thuế của EU sang Mỹ trị giá khoảng 380 tỷ euro mỗi năm, chiếm hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ. Ngoài ra, Mỹ là thị trường đơn lẻ lớn nhất của EU, chiếm tới 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu của khối.
Nếu mức thuế tối thiểu 15–20% mà Tổng thống Trump đề xuất được thực thi, đây sẽ là mức cao ngang bằng thời điểm khởi đầu căng thẳng vào tháng 4, và gần như chắc chắn đẩy Brussels vào thế phải trả đũa, theo nhận định của một nhà ngoại giao cao cấp khác.
Dù cả hai phía đều không muốn tái hiện một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện, giới quan sát cho rằng khả năng này đang hiện hữu rõ ràng hơn bao giờ hết, đặc biệt nếu Washington tiếp tục cứng rắn và không nhượng bộ trước thời hạn tháng 8.
Ủy ban châu Âu hiện từ chối bình luận chính thức, cho thấy các cuộc thương lượng vẫn còn tiếp tục, nhưng kết quả sẽ phụ thuộc lớn vào việc liệu Mỹ có kiên quyết giữ mức thuế cao, hay sẽ lùi bước trước áp lực chính trị và kinh tế từ cả hai bờ Đại Tây Dương.
![]() |
![]() |