Theo Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ - Trung (USCBC), hiện có chưa tới một nửa số doanh nghiệp Mỹ được khảo sát cho biết sẽ tiếp tục đầu tư vào Trung Quốc trong năm 2025, giảm mạnh từ mức 80% hồi năm ngoái và là tỷ lệ thấp nhất kể từ khi câu hỏi này được đưa vào khảo sát năm 2006. Đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy căng thẳng thương mại, đặc biệt là làn sóng thuế quan leo thang gần đây, đang làm suy giảm niềm tin của khu vực doanh nghiệp Mỹ vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
![]() |
Chưa tới 50% doanh nghiệp Mỹ còn muốn đầu tư vào Trung Quốc |
Cuộc khảo sát được thực hiện từ tháng 3 - 5/2025, trước khi Mỹ và Trung Quốc đạt được một số đồng thuận bước đầu trong các cuộc đàm phán tại London vào tháng 6/2025. Tuy nhiên, báo cáo vẫn phản ánh bức tranh ảm đạm trong tâm lý doanh nghiệp, vốn đang chuyển sang trạng thái "chờ đợi và theo dõi", theo ông Kyle Sullivan – Phó chủ tịch mảng tư vấn kinh doanh tại USCBC. Ông nhận định, các công ty hiện đang “gồng mình vượt qua bất ổn về chính sách thương mại”.
Đáng chú ý, trong số các doanh nghiệp được khảo sát, hơn 40% là những tập đoàn đa quốc gia có trụ sở chính tại Mỹ, với doanh thu tại thị trường Trung Quốc đạt ít nhất 1 tỷ USD trong năm vừa qua. Đây là nhóm doanh nghiệp đã đầu tư mạnh mẽ vào sản xuất và phân phối tại Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua, nhằm tận dụng lực lượng lao động giá rẻ và sức tiêu dùng ngày càng lớn tại đây.
Tuy nhiên, sự thay đổi nhanh chóng về môi trường thương mại toàn cầu, đặc biệt là việc Mỹ tăng cường các rào cản thuế quan, cùng với đà tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc, đang khiến các doanh nghiệp này phải đánh giá lại toàn bộ chiến lược hiện diện tại thị trường này.
Một trong những lo ngại hàng đầu được các doanh nghiệp nhấn mạnh là thuế “trả đũa” của Trung Quốc, vốn khiến chi phí vận hành tăng mạnh đối với các công ty phụ thuộc vào chuỗi cung ứng xuyên biên giới. Có tới 75% doanh nghiệp coi đây là yếu tố chi phí lớn nhất, cho thấy áp lực trực tiếp từ chính sách thương mại “trả đũa” giữa hai nước.
Cũng theo khảo sát, 27% doanh nghiệp cho biết họ đã hoặc đang có kế hoạch chuyển một phần hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc – con số cao kỷ lục kể từ năm 2016. Đây là bằng chứng cho thấy các chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng đang được đẩy mạnh, đặc biệt trong bối cảnh dòng vốn đầu tư từ Mỹ vào Trung Quốc liên tục bị siết chặt do các rủi ro chính trị và thương mại gia tăng.
Trong bối cảnh đó, các công ty Mỹ đang áp dụng nhiều biện pháp để đối phó với chi phí tăng cao do thuế quan. Khoảng một phần ba doanh nghiệp chuyển hướng sang các thị trường thay thế để tìm nguồn cung. Một tỷ lệ tương tự lại chọn cách đàm phán lại giá với nhà cung cấp, hoặc đẩy phần chi phí tăng thêm sang người tiêu dùng cuối cùng.
Không chỉ gặp khó về chi phí, doanh nghiệp Mỹ còn phải đối mặt với nguy cơ mất thị phần tại Trung Quốc. Khoảng 32% cho biết đã bị mất thị phần trong ba năm qua, và gần 70% lo ngại điều này sẽ tiếp diễn trong vòng năm năm tới. Điều này không chỉ là vấn đề kinh tế, mà còn đe dọa lâu dài đến vị thế cạnh tranh của các tập đoàn Mỹ tại một trong những thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới.
Thêm vào đó, khoảng 40% doanh nghiệp cho biết họ chịu ảnh hưởng tiêu cực từ chính sách kiểm soát xuất khẩu của Mỹ, bao gồm việc mất hợp đồng, đổ vỡ mối quan hệ khách hàng, và thiệt hại về danh tiếng tại thị trường Trung Quốc.
Đặc biệt, một tỷ lệ lớn, lên tới 80%, cho rằng các chính sách công nghiệp hiện tại của Bắc Kinh đang giúp các doanh nghiệp nội địa từng kém cạnh tranh vươn lên, tạo lợi thế không công bằng. Gần 60% thậm chí cho rằng chính sách này đang thúc đẩy người tiêu dùng Trung Quốc chuyển sang ủng hộ hàng nội địa, gia tăng áp lực lên các công ty ngoại.
Dù thương mại giữa hai bên có dấu hiệu hạ nhiệt sau cuộc gặp tại London và một số cam kết xuất khẩu công nghệ được nối lại, dữ liệu vẫn cho thấy xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ đã giảm 24% trong quý II/2025, trong khi tổng xuất khẩu của Trung Quốc lại tăng hơn 6%. Khoảng cách này cho thấy quan hệ thương mại Mỹ – Trung vẫn đang trong trạng thái bất ổn cao, và các doanh nghiệp Mỹ đang dần mất kiên nhẫn.
![]() |
![]() |