Tăng trưởng xuất khẩu công nghệ tại châu Á đang bỏ xa nhóm hàng phi công nghệ, và xu hướng này được dự báo sẽ còn mở rộng trong nửa cuối năm 2025, theo báo cáo mới nhất từ Nomura. Đây là tín hiệu cho thấy công nghệ sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính, trong bối cảnh thương mại toàn cầu đối mặt với nhiều thách thức.
![]() |
Xuất khẩu công nghệ tăng tốc vượt trội tại châu Á |
Theo số liệu cập nhật đến tháng 5/2025, mức tăng trưởng trung bình ba tháng của xuất khẩu công nghệ tại khu vực châu Á (không bao gồm Nhật Bản) đã đạt 30,5% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng mạnh từ mức 17,1% ghi nhận hồi tháng 1/2025. Ngược lại, xuất khẩu phi công nghệ chỉ tăng 5,7%, dù có cải thiện so với mức 2,1% trước đó.
Các chuyên gia tại Nomura nhận định: “Xuất khẩu và sản xuất công nghệ đã phục hồi rõ rệt trong những tháng gần đây, trong khi lĩnh vực phi công nghệ vẫn khá trì trệ”.
Trong số các nền kinh tế được theo dõi, Thái Lan là quốc gia có khoảng cách giữa tăng trưởng xuất khẩu công nghệ và phi công nghệ lớn nhất. Cụ thể, xuất khẩu công nghệ của Thái Lan tăng tới 57,5%; trong khi nhóm phi công nghệ chỉ tăng 9,2%.
Đáng chú ý, xu hướng tương tự cũng được ghi nhận tại Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc), Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc và Singapore.
Nguyên nhân chủ yếu của việc này đến từ nhu cầu mua sớm hàng công nghệ từ Mỹ, trước nguy cơ nước này áp thuế mới đối với chip bán dẫn nhập khẩu. Bên cạnh đó, giá chip nhớ tăng lên và chương trình đổi hàng tiêu dùng điện tử tại Trung Quốc cũng đã thúc đẩy nhu cầu linh kiện điện tử trong khu vực.
Với Đài Loan (Trung Quốc), nhu cầu mạnh về công nghệ AI đã giúp xuất khẩu công nghệ tăng tốc. Tại Ấn Độ, xuất khẩu thiết bị điện tử cũng tăng nhờ hoạt động lắp ráp smartphone được chuyển dịch từ Trung Quốc sang.
Ngược lại, hoạt động xuất khẩu phi công nghệ đang chịu áp lực từ nhu cầu suy yếu, giá bán thấp và tình trạng dư thừa công suất sản xuất tại Trung Quốc – yếu tố đang đè nặng lên toàn bộ ngành sản xuất của khu vực.
![]() |
Mức tăng trưởng xuất khẩu công nghệ và phi công nghệ của một số quốc gia châu Á (mức trung bình của ba tháng tính đến tháng 5/2025, % tăng trưởng theo năm) (Nguồn: Nomura) |
Dù thị trường Mỹ vẫn là điểm sáng về nhu cầu, tiêu dùng tại châu Âu và Trung Quốc lại suy yếu do những yếu tố cơ cấu và sức mua chưa hồi phục hoàn toàn sau đại dịch. Tại châu Á, tiêu dùng nội địa tại các nền kinh tế lớn như Indonesia, Thái Lan, Hàn Quốc và Ấn Độ cũng đang bị ảnh hưởng bởi hệ quả trễ từ việc thắt chặt chính sách tiền tệ, và tác động dài hạn từ đại dịch.
Theo chuyên gia kinh tế Toh Si Ying của Nomura, nhu cầu công nghệ liên quan đến AI sẽ tiếp tục là “điểm sáng duy nhất” trong nửa cuối năm nay. Trong khi đó, các sản phẩm công nghệ không liên quan đến AI có thể sẽ chậm lại sau quý III/2025, còn xuất khẩu phi công nghệ sẽ vẫn duy trì ở mức yếu.
Bên cạnh đó, hiệu ứng lan tỏa từ tăng trưởng AI đến các lĩnh vực sản xuất vẫn kém hơn nhiều so với các lĩnh vực hạ tầng truyền thống như xây dựng – khiến tác động lan rộng của AI còn khá hạn chế đối với toàn nền kinh tế.
Ngay cả trước khi chính quyền Washington khởi động chiến dịch thuế quan mới, khu vực châu Á đã phải đối mặt với làn sóng hàng giá rẻ từ Trung Quốc – làm gia tăng áp lực cạnh tranh trong các ngành công nghiệp phi công nghệ.
Theo Nomura, tình trạng dư cung từ Trung Quốc đang gây thiệt hại rõ rệt: sản xuất công nghiệp giảm sút (tại Thái Lan, Indonesia), đầu tư tư nhân bị trì hoãn (tại Ấn Độ), mất việc làm trong các ngành sử dụng lao động phổ thông (Indonesia, Thái Lan), đồng thời gây ra hiện tượng giảm phát trong các mặt hàng kim loại và hóa chất.
Đáng chú ý, báo cáo của Nomura cũng chỉ ra rằng, các nền kinh tế ASEAN như Thái Lan, Malaysia và Indonesia đặc biệt dễ tổn thương trong bối cảnh hiện tại. Nguyên nhân không chỉ đến từ sự phụ thuộc vào nhu cầu từ Mỹ và Trung Quốc, mà còn vì nhóm này đã đẩy mạnh xuất khẩu hàng công nghệ trong quý I và II/2025 – tức là phần lớn đơn hàng lớn đã được “chốt sớm”, khiến dư địa tăng trưởng trong nửa cuối năm bị thu hẹp đáng kể.
Mặc dù vậy, xu hướng tăng trưởng giữa công nghệ và phi công nghệ không hoàn toàn đồng nhất trên toàn khu vực. Tại Trung Quốc, xuất khẩu phi công nghệ vẫn đang tăng nhanh hơn nhóm công nghệ, với khoảng cách 2,4 điểm phần trăm. Còn tại Philippines, sự chênh lệch thậm chí lên tới 21 điểm phần trăm nghiêng về nhóm phi công nghệ.
![]() |
![]() |