Vị thế toàn cầu của đồng USD được coi là con dao hai lưỡi: Là đồng tiền dự trữ hàng đầu thế giới, USD cho phép Mỹ vay vốn với chi phí thấp – thứ mà các nhà kinh tế gọi là “đặc quyền thái quá” (exorbitant privilege).
![]() |
Liệu “đặc quyền thái quá” của đồng USD đang đi đến hồi kết? |
Theo đó, đặc quyền này giúp thúc đẩy đầu tư, tăng trưởng và thu nhập. Nhưng song song đó, đồng USD mạnh cũng làm giảm năng lực cạnh tranh xuất khẩu, gây bất lợi cho một bộ phận doanh nghiệp sản xuất của Mỹ.
Tuy nhiên, theo chiến lược được phác thảo bởi ông Stephen Miran – Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Tổng thống Trump, thì chính quyền hiện nay đang cố gắng làm điều tưởng như không thể: Thúc đẩy xuất khẩu thông qua đồng USD suy yếu, nhưng vẫn giữ mức lãi suất thấp để duy trì đặc quyền tài chính.
Chiến lược này không khởi đầu bằng việc tuyên bố chính sách đồng USD yếu – điều có thể gây hoảng loạn và khiến lãi suất dài hạn tăng vọt. Thay vào đó, nó bắt đầu bằng áp thuế.
Mục tiêu không chỉ là giảm nhập khẩu, mà còn tạo đòn bẩy đàm phán: Các mức thuế cao là bước đầu để buộc các đối tác hạ rào cản thương mại, thay đổi chính sách tiền tệ, và đồng thuận với một cơ chế quản lý dự trữ ngoại hối, từ đó tạo điều kiện cho đồng USD mất giá có kiểm soát.
Kịch bản lý tưởng này được ví von là “Thỏa thuận Mar-a-Lago”, tương tự như Thỏa thuận Plaza năm 1985, nhằm điều chỉnh trật tự tiền tệ toàn cầu. Nếu thực hiện đúng trình tự, Mỹ có thể duy trì thuế suất ở mức trung bình, giảm nhu cầu vay nợ nhờ nguồn thu từ thuế, kiểm soát dòng vốn chảy vào, và giúp USD giảm giá mà không cần đánh đổi bằng lãi suất cao.
Tuy nhiên, thực tế lại đang cho thấy điều ngược lại. Các đòn thuế ban đầu đã khiến đồng USD giảm giá, nhưng lãi suất dài hạn lại tăng – một hiện tượng bất thường, cho thấy nhà đầu tư bắt đầu lo ngại về khả năng nắm giữ tài sản định giá bằng USD.
Dù vậy, đây mới chỉ là giai đoạn đầu. Lưu lượng thương mại và tỷ giá vẫn còn bị ảnh hưởng bởi yếu tố tạm thời, như việc các nhà nhập khẩu tăng tốc đặt hàng trước khi các mức thuế quan có hiệu lực. Tuy nhiên, việc chính quyền vừa tái cấu trúc luật thương mại toàn cầu, vừa tăng mạnh vay nợ công, lại còn gây sức ép lên Fed, đã khiến lòng tin vào USD bắt đầu lung lay.
Một yếu tố khác khiến nhà đầu tư lo ngại là sự thiếu minh bạch trong chiến lược của Nhà Trắng. Việc liên tục thay đổi mức thuế theo từng quốc gia, đưa ra các đe dọa và sau đó rút lại, không có thời gian biểu rõ ràng – tất cả khiến thị trường không hiểu chính quyền đang thực sự theo đuổi điều gì. Dù Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent gọi đó là “chiến lược bất định có chủ đích” để tăng lợi thế đàm phán, thì mặt trái là sự hoài nghi về năng lực lãnh đạo và định hướng chính sách của Mỹ.
Về lý thuyết, một chiến lược gây nhiễu có thể hiệu quả nếu đem lại kết quả thực tế. Nhưng nguy cơ lớn nhất là bản thân chính quyền Washington cũng không hiểu rõ lợi ích chiến lược của mình: Vị thế lãnh đạo toàn cầu và lòng tin vào đồng USD là tài sản lớn nhất của Mỹ, và điều này không được phép dùng để làm công cụ mặc cả.
Trong giai đoạn trước đây, Mỹ được xem là “ông lớn” đáng tin cậy, cung cấp các “hàng hóa công toàn cầu” như an ninh, ổn định tài chính và trật tự thương mại. Đổi lại, họ hưởng lợi từ vị thế đồng USD. Giờ đây, nếu Mỹ hành động một cách ích kỷ, mất kiên nhẫn và không nhất quán, thì các đối tác sẽ sớm tự hỏi: họ có nên tiếp tục gắn kết tài chính sâu sắc với một quốc gia như vậy?
Kể cả trong kịch bản lạc quan nhất, nếu thị trường tài chính “chịu đựng” được tổ hợp rủi ro gồm thuế quan, tài khóa mất kiểm soát và Fed bị can thiệp, thì câu hỏi vẫn còn đó: Bao lâu nữa thị trường toàn cầu sẽ mất lòng tin vào một đồng tiền được dẫn dắt bởi một chính quyền ngày càng khó đoán?
Nếu ông Trump thực sự muốn bảo vệ “đặc quyền thái quá” của đồng USD, điều ông cần không chỉ là một chiến lược mạnh tay, mà còn là một kết cục rõ ràng và một tầm nhìn dài hạn thuyết phục hơn.
![]() |
![]() |
![]() |