Cuộc cạnh tranh trong lĩnh vực giao hàng tức thời tại Trung Quốc đang nóng lên từng ngày, khi hai “gã khổng lồ” thương mại điện tử Alibaba và JD.com đồng loạt triển khai dịch vụ giao hàng trong 30 phút nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng, trong bối cảnh tiêu dùng nội địa suy yếu.
![]() |
Giao hàng hỏa tốc – Cuộc đua của những “ông lớn” thương mại điện tử Trung Quốc |
Theo đó, hai ông lớn này hiện đang đầu tư hàng tỷ USD để đẩy mạnh dịch vụ giao hàng hỏa tốc: Alibaba rót 7 tỷ USD vào nền tảng Taobao Shangou, trong khi JD.com tuyên bố sẽ chi 1,4 tỷ USD trong năm tới cho mảng giao thực phẩm. Và cuộc đua mới này đang trực tiếp thách thức vị thế của Meituan - nền tảng giao đồ ăn lớn nhất Trung Quốc hiện nay, vốn chiếm khoảng 70% thị phần.
Tại các thành phố lớn ở Trung Quốc, quảng cáo cho dịch vụ giao hàng tức thời của JD.com và Alibaba phủ kín đường phố, với các chương trình khuyến mại gây sốc như cà phê và trà sữa với giá chỉ 0,25 USD.
Các nhà phân tích cho rằng, cuộc chiến hiện tại gợi nhớ đến “cuộc chiến phiếu giảm giá”, từng diễn ra cách đây một thập kỷ, khi Baidu, Alibaba, Meituan và Dianping lao vào cạnh tranh bằng trợ giá quy mô lớn.
Chia sẻ với tờ Financial Times, một lãnh đạo cấp cao trong ngành giao nhận cho biết: “Mọi thứ giống như quay lại thời điểm năm 2016. Sau nhiều năm hoạt động trong ‘lãnh địa riêng’, giờ đây các ông lớn lại đang dẫm chân lên nhau bằng các chiến lược trợ giá cực mạnh”.
Theo dự báo của ngân hàng Goldman Sachs, thị trường bán lẻ tức thời tại Trung Quốc có thể đạt giá trị 1.500 tỷ nhân dân tệ (tương đương 209 tỷ USD) vào năm 2030, tăng vọt so với mức 600 triệu nhân dân tệ năm 2024. Riêng trong quý II/2025, Alibaba, JD.com và Meituan đã chi tổng cộng hơn 3 tỷ USD cho hoạt động giao hàng nhanh.
Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo, cuộc chiến giành ngôi vương “siêu ứng dụng tiêu dùng hằng ngày” này sẽ vô cùng tốn kém và không dễ đoán định. Khác với thời kỳ đầu tăng trưởng nóng, người tiêu dùng Trung Quốc hiện nay đang có xu hướng tiết kiệm nhiều hơn do kinh tế phục hồi yếu và tâm lý chi tiêu thận trọng.
Trước đà bùng nổ cạnh tranh, CEO Meituan - ông Wang Xing đã công khai kêu gọi cơ quan chức năng can thiệp để chấm dứt “cuộc chiến trợ giá phi lý”.
Ông Xing cho biết: “Tôi tin rằng trách nhiệm của cơ quan quản lý là ngăn chặn cạnh tranh thiếu lành mạnh. Còn nhiệm vụ của chúng tôi là chiến đấu cho đến khi nào luật pháp cho phép”.
Theo các nguồn tin trong ngành, cơ quan chống độc quyền Trung Quốc đã gặp gỡ đại diện nhiều công ty giao nhận trong tháng 5/2025 để kêu gọi cạnh tranh lành mạnh, dù trọng tâm hiện nay vẫn đang đặt vào các cuộc chiến giá trong ngành xe điện nhiều hơn.
Bà Chelsey Tam - chuyên gia phân tích tại Morningstar - cho rằng, dù Meituan bị giảm thị phần xuống còn 60% trong thập kỷ tới, nhưng vẫn có lợi thế về chất lượng dịch vụ và mạng lưới nhà hàng. “Điều quan trọng là tiếp tục duy trì trợ giá để giữ chân người dùng”, bà nhận định.
Tuy nhiên, không ai có thể chắc chắn cuộc chiến lần này sẽ kéo dài bao lâu. Chuyên gia Robin Zhu từ Bernstein nhận định: “Tất cả các ông lớn đều có tiềm lực tài chính mạnh để theo đuổi đến cùng. Nhưng kể cả người chiến thắng sau cùng cũng có thể phải chấp nhận một chiến thắng kiểu ‘Pyrrhus’ – hao tổn nhiều hơn lợi ích đạt được”.
![]() |
![]() |
![]() |