Ngành dược phẩm đang bước vào tình thế cấp bách, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục cảnh báo sẽ áp mức thuế nhập khẩu lên tới 200% đối với dược phẩm sản xuất ngoài nước Mỹ, gây lo ngại về giá thuốc leo thang và biên lợi nhuận doanh nghiệp bị bào mòn nghiêm trọng.
![]() |
Ngành dược lao đao vì đe dọa thuế 200% của Tổng thống Trump |
Trong tuyên bố mới nhất, ông Trump khẳng định, chính quyền sẽ sớm công bố loạt thuế diện rộng dành riêng cho ngành dược, sau khi phát động cuộc điều tra đối với lĩnh vực này hồi tháng Tư. Mặc dù ông cho biết sẽ dành thời gian “khoảng một năm đến một năm rưỡi” để doanh nghiệp chuẩn bị, giới phân tích cảnh báo rằng mức thuế 200%, dù có thời gian hoãn, vẫn sẽ gây tác động tiêu cực mạnh mẽ đến chuỗi cung ứng và người tiêu dùng Mỹ.
“Thuế 200% sẽ khiến chi phí sản xuất tăng vọt, lợi nhuận bị siết chặt và nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, dẫn đến thiếu thuốc và giá thuốc cao hơn tại Mỹ”, ngân hàng Barclays nhận định.
Trong khi đó, ngân hàng UBS cũng dự báo mức tác động “đáng kể” đến biên lợi nhuận, nhất là với các sản phẩm sản xuất bên ngoài nước Mỹ.
Ông Afsaneh Beschloss - CEO của RockCreek Group gọi đây là “nguy cơ thảm họa cho người dân Mỹ”, bởi các công ty dược cần nhiều năm để xây dựng năng lực sản xuất trong nước.
Theo nghiên cứu của Hiệp hội Nghiên cứu & Sản xuất Dược phẩm Hoa Kỳ (PhRMA), chỉ riêng mức thuế 25% đã có thể khiến chi phí thuốc tại Mỹ tăng thêm 51 tỷ USD mỗi năm, tương đương mức tăng giá nội địa gần 13%. PhRMA lên tiếng chỉ trích chính sách thuế của Tổng thống Mỹ là “phản tác dụng” với mục tiêu chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Lâu nay, dược phẩm vốn được loại trừ khỏi các gói thuế do tính thiết yếu, nhưng ông Trump vẫn nhiều lần cáo buộc ngành này “bán phá giá” và kêu gọi các hãng dược đưa sản xuất về Mỹ. Trước sức ép này, các tập đoàn lớn như Novartis, Sanofi, Roche, Johnson & Johnson hay Eli Lilly đều đã cam kết đầu tư lớn vào thị trường Mỹ.
Dù vậy, giới phân tích cho rằng, khoảng thời gian 12–18 tháng mà chính quyền Washington đưa ra là không đủ. “Thông thường, việc chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất dược phẩm quy mô thương mại sang địa điểm mới cần ít nhất 4 - 5 năm”, UBS cảnh báo.
Hiện các doanh nghiệp đang chờ báo cáo cuối cùng từ cuộc điều tra của Mỹ, dự kiến công bố cuối tháng này. Trong lúc chưa rõ kết quả, phần lớn các doanh nghiệp buộc phải kích hoạt kế hoạch dự phòng đa kịch bản.
Đại diện của hãng Roche cho biết, đang “theo dõi chặt chẽ tình hình”, và vận động chính sách để đảm bảo người bệnh tiếp cận thuốc dễ dàng hơn. Hãng Bayer cũng tuyên bố đang nỗ lực bảo vệ chuỗi cung ứng và giảm thiểu rủi ro. Trong khi đó, Novartis khẳng định chưa thay đổi kế hoạch đầu tư tại Mỹ và tiếp tục làm việc với chính phủ nước này cùng các hiệp hội thương mại.
Các tập đoàn như AstraZeneca, Sanofi và Novo Nordisk chưa đưa ra bình luận chính thức.
Trước đây, ngành dược đã vận động chính quyền Mỹ đưa ra ngoại lệ thuế quan với toàn ngành này. Tuy nhiên, hy vọng này đang dần phai nhạt, và sự chú ý nay đã chuyển sang các thỏa thuận thương mại song phương để tìm cơ hội miễn trừ.
Thỏa thuận thương mại Mỹ – Anh ký hồi tháng trước dù còn sơ khởi, nhưng có đề cập việc hai bên sẽ thương lượng “các điều khoản ưu đãi dành cho dược phẩm và nguyên liệu dược của Anh”, phụ thuộc vào kết luận cuộc điều tra của Mỹ. Giới quan sát kỳ vọng, Thụy Sĩ và Liên minh châu Âu sẽ đạt được các cơ chế tương tự trong các vòng đàm phán tiếp theo.
Tuy nhiên, tình trạng thiếu thông tin rõ ràng vẫn đang khiến doanh nghiệp và người tiêu dùng lo lắng. “Càng kéo dài sự bất định về việc ngành nào bị ảnh hưởng và ngành nào không, tác động tiêu cực sẽ càng lan rộng”, ông Bert Colijn, chuyên gia kinh tế trưởng tại ING nhận định.
![]() |
![]() |
![]() |