Phát biểu tại cuộc họp nội các Nhà Trắng, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết Hoa Kỳ đã thu được khoảng 100 tỷ USD từ thuế quan tính từ đầu năm, và con số này có thể tăng gấp ba lần lên hơn 300 tỷ USD trước thời điểm kết thúc năm 2025.
Bộ trưởng Bessent nhấn mạnh rằng phần lớn khoản thu này mới chỉ bắt đầu tăng mạnh kể từ quý II/2025, khi Tổng thống Donald Trump ban hành mức thuế nhập khẩu phổ quát 10% lên hầu hết hàng hóa vào Mỹ, đồng thời nâng thuế lên các mặt hàng chiến lược như thép, nhôm và ô tô.
Theo ông Bessent, với các mức thuế mới chuẩn bị có hiệu lực vào ngày 1/8, “nguồn thu lớn sẽ bắt đầu đổ về”. Những tuyên bố này được đưa ra chỉ một ngày sau khi Nhà Trắng gửi thư chính thức đến hơn mười đối tác thương mại của Mỹ, cảnh báo mức thuế nhập khẩu mới trừ khi đạt được thỏa thuận song phương trong vòng ba tuần tới.
Một phát ngôn viên Bộ Tài chính làm rõ rằng mục tiêu 300 tỷ USD là tính theo năm dương lịch, tức đến hết ngày 31/12/2025, không phải năm tài khóa kết thúc vào tháng 9.
![]() |
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent |
Đáng chú ý, Bộ trưởng Scott Bessent cũng dẫn nguồn từ Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO), cho biết tổng doanh thu từ thuế quan dự kiến đạt khoảng 2.800 tỷ USD trong vòng 10 năm tới. Tuy nhiên, ông cho rằng con số này có thể còn khiêm tốn và chưa phản ánh hết quy mô chính sách thuế đang được triển khai.
Dữ liệu công bố gần đây từ Bộ Tài chính Mỹ cho thấy, chỉ riêng trong tháng 5/2025, số thu thuế hải quan đã đạt mức cao kỷ lục 22,8 tỷ USD - gấp gần 4 lần cùng kỳ năm ngoái. Tính từ đầu năm tài khóa (tháng 10/2024 đến tháng 5/2025), Mỹ đã thu 86,1 tỷ USD tiền thuế hải quan, trong đó riêng năm dương lịch 2025 ghi nhận 63,4 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm.
Tính đến cuối tháng 6/2025, tổng thu từ thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt đã vượt mốc 122 tỷ USD trong năm tài khóa hiện tại, theo báo cáo từ Bộ Tài chính Mỹ.
Bên cạnh đó, Tổng thống Trump cũng tuyên bố sẽ áp mức thuế 50% đối với mặt hàng đồng nhập khẩu, kim loại có vai trò thiết yếu trong ngành xây dựng, điện tử, xe điện, hệ thống lưới điện và cả công nghiệp quốc phòng. Ngoài ra, ông cũng cho biết sắp công bố thêm thuế nhập khẩu với chip bán dẫn và dược phẩm.
Những động thái này đánh dấu bước leo thang mới trong cuộc chiến thương mại của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump. Trong vòng ba tuần tới, các nước chưa đạt được thỏa thuận thương mại sẽ đối mặt với mức thuế cao, theo cơ chế "đối ứng" mà chính quyền Washington đang thúc đẩy.
Việc Mỹ tăng mạnh thuế quan không chỉ gây biến động trên thị trường tài chính tại nền kinh tế lớn nhất thế giới, mà còn tạo ra làn sóng lo ngại trong cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu. Trước đó, đợt công bố thuế hôm 2/4 đã khiến thị trường chứng khoán quốc tế lao dốc. Mặc dù sau đó được tạm hoãn 90 ngày, nhưng với thời hạn mới 1/8 đang đến gần, lo ngại về tác động tiêu cực lên chuỗi cung ứng toàn cầu đang ngày càng gia tăng.
Các nhà kinh tế nhận định rằng, nếu mục tiêu thu 300 tỷ USD thuế quan được hiện thực hóa, đây sẽ là mức cao chưa từng có, nhưng đồng thời cũng phản ánh một chính sách thương mại đối đầu và rủi ro cao cho cả đối tác và chính doanh nghiệp trong nước Mỹ.
Việc thu thuế quan tăng vọt có thể tạm thời giúp cải thiện ngân sách Mỹ trong ngắn hạn, nhưng cũng đặt ra thách thức lớn về thương mại và đầu tư quốc tế. Với nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao, các doanh nghiệp xuất khẩu cần theo sát diễn biến chính sách từ Mỹ để điều chỉnh chiến lược tiếp cận thị trường cũng như phòng ngừa rủi ro về chi phí và chuỗi cung ứng. |
![]() |
![]() |
![]() |