Trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục đẩy mạnh chính sách áp thuế đối ứng với hàng loạt đối tác thương mại, và gia tăng áp lực tài khóa với gói chi tiêu khổng lồ mới được thông qua, đồng euro đang nổi lên như một trong những đồng tiền mạnh nhất toàn cầu trong năm 2025.
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Aix-en-Provence tại Pháp cuối tuần qua, nhiều lãnh đạo ngân hàng trung ương châu Âu nhận định rằng, mặc dù đồng euro chưa thể soán ngôi dự trữ toàn cầu của đồng USD, nhưng những biến động chính trị – tài chính tại Mỹ đang giúp đồng tiền chung này củng cố vai trò quốc tế.
Ông Yannis Stournaras, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hy Lạp, nhận định: “Khi bạn kết hợp chính sách thuế quan của Mỹ với các đòn công kích vào Fed và tình hình tài khóa bấp bênh sau dự luật thuế mới được thông qua, bạn sẽ hiểu vì sao tỷ giá đồng USD đang biến động như hiện nay”. Ngoài ra, ông cũng cảnh báo rằng, chính các quốc gia áp thuế cao sẽ là những bên chịu tổn thất đầu tiên về kinh tế.
![]() |
Tính từ đầu năm đến nay, đồng euro đã tăng khoảng 14% so với đồng USD (Ảnh: Trading Economics) |
Bất chấp việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã cắt giảm lãi suất trong năm nay, còn Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn giữ nguyên chính sách tiền tệ, đồng euro vẫn tăng khoảng 14% so với đồng bạc xanh tính đến đầu tháng 7. Theo đó, sự gia tăng này được thúc đẩy bởi kỳ vọng vào các gói kích thích tài khóa từ Liên minh châu Âu (EU), cũng như lo ngại về các rủi ro tài chính và chính trị tại Mỹ.
Tỷ giá EUR/USD đang dao động quanh mức cao nhất kể từ giữa năm 2021, khi giới đầu tư bắt đầu “định giá lại” khả năng tiếp tục nắm giữ tài sản định danh bằng USD.
Ngoài ra, tỷ trọng đồng euro trong dự trữ ngoại hối toàn cầu vẫn ổn định quanh mức 20% suốt hơn một thập kỷ qua. Trong khi đó, theo báo cáo của ECB tháng 6/2025, tỷ trọng của USD đã giảm từ 68,8% của năm 2014, xuống còn 57,8% vào cuối năm 2024. Mức thay đổi trong năm nay vẫn đang được theo dõi, nhưng xu hướng suy yếu rõ ràng đang hiện hữu.
Ông Gabriel Makhlouf, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ireland, cho rằng điều đang diễn ra với USD là một quá trình điều chỉnh. “Các nhà đầu tư đang thấy pháp quyền tại Mỹ suy yếu, và họ phản ứng bằng cách tái định hướng dòng vốn”, ông nói.
Ông Paschal Donohoe, Chủ tịch Eurogroup – nhóm bộ trưởng tài chính khu vực đồng euro – cũng cho biết, lượng phát hành trái phiếu định danh bằng euro dự kiến sẽ tăng mạnh trong vài năm tới, đặc biệt là từ chương trình phục hồi kinh tế NextGenerationEU. Điều này sẽ góp phần củng cố tính thanh khoản và độ sâu của thị trường euro, từ đó nâng cao sức hấp dẫn toàn cầu.
![]() |
Đồng USD liên tục chịu áp lực giảm giá tính từ đầu năm 2025 đến nay, hiện đang dao động quanh đáy của 3 năm (Ảnh: Trading Economics) |
Chiến lược gia Francesco Pesole từ ING cho rằng, việc giá dầu và rủi ro địa chính trị gần đây chỉ tạo ra cú bật ngắn cho USD là minh chứng cho sự “mong manh mới” của đồng tiền này. Theo ông, nhiều nhà đầu tư đang lo ngại về triển vọng cắt giảm lãi suất sớm của Fed, rủi ro chính trị đối với sự độc lập của Fed, cũng như mức thâm hụt tài khoản vãng lai và tài khóa đang tăng chóng mặt tại Mỹ.
Một báo cáo từ Deutsche Bank do George Saravelos và Christian Wietoska công bố ngày 1/7 đã chỉ ra rằng, một nguyên nhân quan trọng khiến đồng USD giảm là do “nước ngoài không còn mua đủ tài sản bằng USD để tài trợ cho thâm hụt khổng lồ của Mỹ”. Theo đó, việc các nhà đầu tư quốc tế “từ chối mua thêm” cũng đã đủ để gây áp lực giảm giá USD mà không cần phải bán tháo.
![]() |
![]() |
![]() |