![]() |
Chủ tịch ECB: Đồng euro có thể trở thành lựa chọn thay thế USD. |
Trong bối cảnh các nhà đầu tư toàn cầu ngày càng dè chừng với chính sách kinh tế khó lường từ Mỹ, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde nhận định đồng euro có thể trở thành một lựa chọn thay thế đáng tin cậy cho đồng USD, nếu Liên minh châu Âu (EU) thực hiện các bước cải cách quyết liệt về tài chính và an ninh.
Phát biểu tại một bài giảng ở Berlin hôm thứ Hai (26/5), bà Lagarde nhấn mạnh rằng vai trò toàn cầu của đồng euro hiện đang “dậm chân tại chỗ” suốt nhiều thập kỷ, phần lớn do thiếu vắng tiến trình hội nhập tài chính hoàn chỉnh trong khối và sự e dè từ các chính phủ về việc chia sẻ rủi ro tài khóa.
Bà Lagarde nói: “Những thay đổi hiện tại trên thế giới đang mở ra cơ hội cho một ‘thời khắc toàn cầu của euro. Nhưng vai trò đó sẽ không đến một cách mặc định – đồng euro phải tự chứng minh rằng mình xứng đáng”.
Cụ thể hơn, bà cho rằng để hiện thực hóa tham vọng này, châu Âu cần xây dựng một thị trường vốn sâu rộng và thanh khoản hơn, củng cố nền tảng pháp lý chung, và đặc biệt là kết hợp chính sách thương mại mở với năng lực phòng vệ đủ mạnh. Bà nhận định sức mạnh kinh tế toàn cầu không thể tách rời yếu tố địa chính trị và niềm tin vào liên minh an ninh.
Trong bối cảnh vai trò của đồng USD đang trên đà suy giảm, hiện chỉ còn chiếm khoảng 58% dự trữ ngoại hối toàn cầu – mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ, Chủ tịch ECB cho rằng đây là thời điểm thuận lợi để châu Âu hành động. Dù vẫn còn cách biệt đáng kể so với USD, đồng euro hiện chiếm khoảng 20% dự trữ toàn cầu, và có thể mở rộng nếu có chính sách phù hợp.
![]() |
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), bà Christine Lagarde. |
Một bước đi cụ thể là khuyến khích doanh nghiệp sử dụng đồng euro làm đồng tiền thanh toán chính trong thương mại quốc tế, thay vì lệ thuộc vào USD. Điều này có thể được hỗ trợ thông qua hiệp định thương mại mới, hệ thống thanh toán xuyên biên giới hiệu quả hơn và các thỏa thuận thanh khoản giữa ECB và các đối tác toàn cầu.
Tuy nhiên, bà Lagarde cũng thừa nhận vấn đề cốt lõi vẫn là cải tổ kinh tế nội khối. Hiện tại, thị trường vốn trong khu vực đồng euro vẫn bị phân mảnh, thiếu hiệu quả và thiếu một loại tài sản “an toàn” có tính thanh khoản cao mà các nhà đầu tư quốc tế có thể tin tưởng – điều mà trái phiếu kho bạc Mỹ đang đảm nhiệm trong hệ thống tài chính toàn cầu.
Bà chủ tịch ECB cho biết: “Về mặt kinh tế học, hàng hóa công cần được tài trợ chung. Và việc tài trợ chung này có thể tạo nền tảng để châu Âu dần dần tăng cung tài sản an toàn”.
Ý tưởng phát hành nợ chung từng được thực hiện trong thời kỳ đại dịch Covid-19 qua quỹ phục hồi Next Generation EU. Tuy nhiên, việc mở rộng khái niệm này sang các lĩnh vực khác vẫn còn gây tranh cãi, đặc biệt là tại Đức, quốc gia lâu nay phản đối mạnh mẽ việc chia sẻ gánh nặng tài khóa với các nước Nam Âu như Italy hay Hy Lạp.
Nếu thành công, châu Âu không chỉ hưởng lợi từ dòng vốn đầu tư đổ vào, mà còn có thể vay với chi phí thấp hơn, giảm rủi ro tỷ giá và có khả năng miễn nhiễm tốt hơn với các biện pháp trừng phạt tài chính từ bên ngoài – một yếu tố đặc biệt quan trọng trong thế giới ngày càng bị phân mảnh.
![]() |
![]() |
![]() |