![]() |
Ai đang hưởng lợi từ vị thế toàn cầu của đồng đô la Mỹ? |
Tổng thống Donald Trump tin rằng “Nước Mỹ là của người Mỹ”. Nhưng đồng đô la Mỹ – biểu tượng quyền lực kinh tế của Washington – lại thuộc về toàn thế giới. Khi nhóm các nền kinh tế mới nổi Brics lên tiếng về khả năng tạo ra đồng tiền chung để cạnh tranh với USD, ông Trump ngay lập tức cảnh báo rằng họ sẽ đối mặt với mức thuế 100%.
Tuy nhiên, không phải ai trong chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng chia sẻ quan điểm đó. Ông Stephen Miran, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế của ông Trump, gần đây phát biểu rằng việc đồng USD được sử dụng toàn cầu đã “gây biến dạng tiền tệ kéo dài và góp phần dẫn đến thâm hụt thương mại không bền vững”. Thậm chí, nhà kinh tế Michael Pettis – không trực tiếp trong chính phủ Mỹ nhưng có ảnh hưởng lớn trong giới cố vấn kinh tế – cũng cho rằng “Mỹ sẽ tốt hơn nếu không còn đồng đô la toàn cầu”.
Dù vậy, khi hàng triệu người tại Philippines, Malaysia, Ả Rập Xê Út, Nigeria hay Colombia lựa chọn giữ đô la Mỹ để tiết kiệm và đầu tư, họ đang giúp Mỹ duy trì một lợi thế mà cựu Bộ trưởng Tài chính Pháp Valéry Giscard d’Estaing từng mỉa mai là “đặc quyền ngạo nghễ”. Trái với nhận định của các nhà kinh tế theo đường lối MAGA (Make America Great Again – khẩu hiệu “Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại” của Tổng thống Trump), đây không phải là một gánh nặng, mà là một lợi thế tài chính chưa từng có tiền lệ.
Khi người tiêu dùng toàn cầu chấp nhận giữ đô la Mỹ – bất chấp không sống tại Mỹ – Washington thu được “seigniorage”, tức lợi nhuận từ việc phát hành tiền. Trong khi các quốc gia đang phát triển đối mặt với siêu lạm phát khi người dân từ chối nội tệ, thì Mỹ có thể in tiền để chi tiêu mà không lo mất giá. Hiện ước tính hơn 1.000 tỷ USD tiền mặt đang lưu hành ngoài nước Mỹ – tương đương 45% lượng tiền lưu thông.
![]() |
Chỉ số DXY - đo lường sức mạnh đồng USD, đã liên tục sụt giảm kể từ đầu năm 2025 (Ảnh: Trading Economics). |
Không chỉ phát hành tiền với chi phí thấp, Mỹ còn được vay nợ với lãi suất thấp nhờ vị thế của trái phiếu Kho bạc trong hệ thống tài chính toàn cầu. Trái phiếu chính phủ Mỹ được sử dụng rộng rãi làm tài sản thế chấp trong các giao dịch tài chính – tạo ra một “lợi suất tiện ích” (convenience yield), giúp chính phủ Mỹ có thể phát hành nợ với lãi suất thấp hơn các nước khác.
Cuối năm 2024, nước ngoài nắm giữ tới 8,6 nghìn tỷ USD nợ liên bang Mỹ. Chỉ cần lãi suất thấp hơn 0,5% nhờ vai trò đặc biệt này, người Mỹ đã tiết kiệm được khoảng 43 tỷ USD mỗi năm. Trong điều kiện lý tưởng, nếu chi phí đi vay thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế, thì Mỹ thậm chí có thể vay không giới hạn mà không cần trả hết nợ.
Liệu điều này có bất công với phần còn lại của thế giới? Không hẳn. Cộng đồng tài chính toàn cầu cần một tài sản an toàn và thanh khoản cao – điều mà hiện tại chỉ có đồng USD đáp ứng được.
Châu Âu là một lựa chọn tiềm năng, nhưng thị trường vốn của họ còn phân mảnh và thiếu chiều sâu. Trung Quốc tuy có quy mô kinh tế lớn, nhưng cơ chế kiểm soát vốn và hệ thống chính trị tập trung khiến nhà đầu tư quốc tế không mấy mặn mà với tài sản bằng nhân dân tệ.
Trớ trêu thay, nếu các nhà kinh tế MAGA thực sự cho rằng vị thế toàn cầu của USD là vấn đề, thì chính Tổng thống Donald Trump lại đang đẩy Mỹ theo hướng khiến đồng đô la mất dần uy tín: từ việc vi phạm cam kết thương mại quốc tế, đe dọa chiếm lãnh thổ đồng minh, đến nghi ngờ hệ thống pháp quyền và ám chỉ kéo dài nhiệm kỳ ngoài hiến pháp.
Phản ứng của thị trường sau tuyên bố áp thuế của ông Trump là minh chứng rõ ràng: đồng đô la giảm gần 7% so với euro, trong khi lợi suất trái phiếu 10 năm tăng gần 0,5 điểm phần trăm. Tiền tệ của các nền kinh tế mới nổi cũng lao dốc, phản ánh nỗi lo suy thoái và gián đoạn thương mại toàn cầu.
Như vậy, dù muốn hay không, một thế giới không có đồng đô la toàn cầu sẽ khiến nhiều bên thiệt hại – và chính nước Mỹ có thể là bên mất nhiều nhất.