![]() |
Moody’s hạ bậc tín nhiệm quốc gia Mỹ khi nợ công vượt 36.000 tỷ USD. |
Moody’s Investors Service vừa giáng một đòn mạnh vào uy tín tài chính của nước Mỹ khi quyết định hạ xếp hạng tín dụng quốc gia từ mức “Aaa” xuống “Aa1” vào ngày thứ Sáu (16/5), chấm dứt hơn một thế kỷ giữ vững vị trí cao nhất trong thang điểm của tổ chức này. Lý do được Moody’s đưa ra là sự gia tăng không kiểm soát của nợ công Mỹ – hiện đã vượt ngưỡng 36.000 tỷ USD – cùng với áp lực lãi suất ngày càng lớn và thiếu vắng các biện pháp tài khóa có hiệu quả.
“Các chính quyền kế tiếp nhau và Quốc hội Mỹ đều thất bại trong việc đưa ra giải pháp kiềm chế thâm hụt ngân sách thường niên và chi phí lãi vay ngày càng phình to”, Moody’s nhấn mạnh trong thông cáo, đồng thời nâng triển vọng tín nhiệm của Mỹ từ “tiêu cực” lên “ổn định” sau đợt cắt giảm.
Động thái này được đưa ra sau khi Fitch đã hạ tín nhiệm Mỹ vào tháng 8/2023, tiếp bước Standard & Poor’s trong năm 2011. Moody’s là hãng cuối cùng trong nhóm “Big Three” còn giữ đánh giá cao nhất cho nền kinh tế lớn nhất thế giới - cho đến nay.
Giới chức và cố vấn thân cận với Tổng thống Donald Trump đã nhanh chóng lên tiếng chỉ trích. Ông Stephen Moore, cựu cố vấn kinh tế cấp cao của ông Trump, gọi việc hạ tín nhiệm là “phi lý”, trong khi Giám đốc truyền thông Nhà Trắng Steven Cheung công khai chỉ trích nhà kinh tế trưởng Mark Zandi – dù ông Zandi thuộc Moody’s Analytics, một tổ chức nghiên cứu độc lập và không tham gia quyết định xếp hạng tín nhiệm.
![]() |
Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Hoa Kỳ hiện đang ở quanh ngưỡng 4,5% (Ảnh: Trading Economics). |
Sau khi trở lại Nhà Trắng hồi tháng 1/2025, ông Trump tuyên bố sẽ cân đối ngân sách liên bang và giảm chi phí vay nợ, trong đó có kế hoạch mở rộng gói cắt giảm thuế từ năm 2017. Tuy nhiên, nỗ lực này đang vấp phải trở ngại lớn tại Quốc hội Mỹ. Vào ngày 16/5, dự luật gia hạn giảm thuế đã không vượt qua được vòng bỏ phiếu thủ tục – do sự phản đối của các nghị sĩ Cộng hòa cứng rắn muốn cắt giảm chi tiêu mạnh tay hơn.
Moody’s cảnh báo rằng các đề xuất tài khóa hiện tại khó có thể giúp Mỹ giảm bền vững thâm hụt ngân sách trong nhiều năm tới. Tổ chức này ước tính tỷ lệ nợ công của Hoa Kỳ so với GDP sẽ tăng từ 98% hiện tại lên khoảng 134% vào năm 2035 nếu không có điều chỉnh chính sách đáng kể.
Giới đầu tư trái phiếu Mỹ, vốn sử dụng xếp hạng tín dụng như một chỉ số đánh giá rủi ro, có thể sẽ phản ứng mạnh khi thị trường mở cửa trở lại vào đầu tuần sau. “Việc hạ tín nhiệm củng cố thêm thực tế rằng Mỹ đang vay nợ quá mức. Nếu không điều chỉnh, thị trường trái phiếu có thể sẽ gặp cú sốc”, giáo sư Darrell Duffie từ Đại học Stanford nhận định.
Các nhà phân tích cũng cảnh báo rằng lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ có thể tăng cao hơn nữa, đẩy chi phí vay vốn lên không chỉ với chính phủ mà cả khu vực tư nhân.
“Sự thiếu kỷ luật tài khóa kéo dài đang từng bước làm xói mòn uy tín của nước Mỹ trên thị trường tài chính toàn cầu”, ông Spencer Hakimian, CEO quỹ phòng hộ Tolou Capital Management bình luận.
Trong khi đó, chính sách thương mại cứng rắn của Tổng thống Donald Trump – đặc biệt là các mức thuế cao nhằm vào đối tác lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, EU – cũng đang làm gia tăng lo ngại về rủi ro lạm phát và suy thoái toàn cầu. Giữa bối cảnh thị trường tài chính đang mong manh, quyết định của Moody’s được xem là "giọt nước tràn ly" với tâm lý nhà đầu tư.