![]() |
Nhật Bản thu hút dòng vốn kỷ lục giữa làn sóng tháo chạy khỏi Mỹ. |
Tháng 4/2025 đánh dấu một bước ngoặt trên bản đồ đầu tư toàn cầu, khi Nhật Bản ghi nhận dòng vốn nước ngoài rót vào tài sản tài chính cao kỷ lục: 8,21 nghìn tỷ yên (tương đương 56,6 tỷ USD) đổ vào cổ phiếu và trái phiếu dài hạn. Đây là con số lớn nhất trong một tháng kể từ khi Bộ Tài chính Nhật Bản bắt đầu thống kê dữ liệu vào năm 1996, theo Morningstar.
Đáng chú ý, sự chuyển hướng này diễn ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tung đòn thuế quan đối ứng vào cả đồng minh lẫn đối thủ thương mại, làm dấy lên làn sóng rút vốn khỏi thị trường Mỹ. “Cú sốc thuế của ông Trump đã khiến nhà đầu tư toàn cầu đánh giá lại triển vọng của nền kinh tế Mỹ, và từ đó thúc đẩy xu hướng đa dạng hóa danh mục sang các thị trường lớn khác, đặc biệt là Nhật Bản”, ông Yujiro Goto, Trưởng bộ phận chiến lược FX tại Nomura nhận định.
Phần lớn dòng vốn nói trên đổ vào ngay trong tuần đầu tiên của tháng 4, tức ngay sau khi chính sách thuế của Tổng thống Trump được công bố. Trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng vọt 30 điểm cơ bản, lợi suất tương ứng của Nhật lại giảm 21 điểm – dấu hiệu cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang chuyển sang các tài sản được coi là an toàn hơn.
Ngoài ra, chỉ số Nikkei 225 tăng hơn 1% trong tháng 4/2025, trái ngược với S&P 500 của Mỹ giảm gần 1%. Điều này càng củng cố vị thế của Nhật Bản như một “vùng trú ẩn tài sản” giữa những biến động chính sách khó lường từ Washington.
Theo các chuyên gia tại Nomura, dòng vốn chủ yếu đến từ các quỹ hưu trí và công ty bảo hiểm, trong khi cổ phiếu được gom mạnh bởi các tổ chức quản lý tài sản. Ông Rashmi Garg, quản lý danh mục cấp cao tại Al Dhabi Capital, cho rằng đây là “một tháng đặc biệt chưa từng có” về cả quy mô lẫn bối cảnh vĩ mô toàn cầu.
![]() |
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật đã phục hồi ấn tượng từ mức đáy hồi đầu tháng 4/2025 (Ảnh: Trading Economics). |
Dù kỳ vọng dòng vốn kỷ lục sẽ khó lặp lại trong thời gian ngắn, nhiều chuyên gia vẫn đánh giá tích cực về triển vọng trung hạn của thị trường Nhật Bản. Việc Mỹ và Trung Quốc đang tiến đến đàm phán thương mại, cùng với các thỏa thuận mới được ký kết với Anh và các đối tác khác, đã phần nào giúp khôi phục niềm tin vào tài sản Mỹ. Tuy nhiên, theo ông Vasu Menon từ OCBC, các hành động thất thường và thiếu nhất quán từ chính quyền Tổng thống Donald Trump đã làm tổn thương uy tín dài hạn của thị trường Mỹ trong mắt nhà đầu tư toàn cầu.
“Trong bối cảnh như vậy, tài sản Nhật Bản vẫn sẽ giữ được sức hút, ngay cả khi không còn mạnh như tháng 4”, ông Menon nhận định. Ông cũng cho rằng các cuộc đàm phán song phương đang diễn ra với Mỹ có thể giúp Nhật cắt giảm mức thuế 24% mà ông Trump áp đặt, càng gia tăng triển vọng đầu tư.
Ngoài yếu tố địa chính trị, một động lực quan trọng khác thúc đẩy dòng vốn là chương trình cải cách quản trị doanh nghiệp của Sở giao dịch chứng khoán Tokyo (TSE), khởi động từ tháng 3/2023. Theo đó, các công ty niêm yết có tỷ lệ P/B (tỷ lệ giá trên giá trị sổ sách) dưới 1 bị yêu cầu “tuân thủ hoặc giải thích”, nhằm thúc đẩy hiệu quả sử dụng vốn và lợi ích cổ đông. Điều này đã góp phần thúc đẩy làn sóng mua lại cổ phiếu (buyback) kỷ lục tại Nhật – yếu tố hỗ trợ giá cổ phiếu và cải thiện thu nhập trên mỗi cổ phần.
Ngay cả khi đồng USD hồi phục nhẹ sau làn sóng bán tháo tháng 4, các chuyên gia như Kei Okamura tại Neuberger Berman vẫn cho rằng tiềm năng tiếp tục tăng trưởng của chứng khoán Nhật là có cơ sở. “Kinh tế Nhật đang phục hồi, đồng yên có thể mạnh lên, và cải cách doanh nghiệp đang tạo sức bật bền vững”, ông nhận xét.
Tuy vậy, một số lĩnh vực như trái phiếu ngắn hạn có thể không còn hấp dẫn như giai đoạn Ngân hàng Trung ương Nhật (BOJ) áp dụng lãi suất âm, do cơ hội kinh doanh chênh lệch lãi suất đã không còn rõ ràng.