![]() |
Shein mở kho quy mô lớn tại Việt Nam, tận dụng lỗ hổng “de minimis”. |
Shein – “gã khổng lồ” thời trang nhanh có xuất xứ từ Trung Quốc – đang tiến hành mở kho hàng đầu tiên tại Việt Nam với quy mô gần 15 ha, đặt gần TP.HCM. Thông tin được xác nhận bởi hai nguồn thạo tin chia sẻ với Reuters, và cho thấy sự dịch chuyển rõ rệt trong chiến lược chuỗi cung ứng toàn cầu của hãng. Kho hàng này, tương đương 26 sân bóng đá, được kỳ vọng sẽ đóng vai trò trung chuyển hàng may mặc trước khi xuất khẩu, đặc biệt hướng đến thị trường Mỹ.
Việc Shein chọn Việt Nam không phải ngẫu nhiên. Hãng này đang chịu áp lực ngày càng lớn từ các chính sách thuế quan mà Washington áp đặt lên hàng hóa Trung Quốc, vốn được siết chặt dưới thời chính quyền ông Donald Trump, và vẫn chưa hoàn toàn được gỡ bỏ dù căng thẳng thương mại Mỹ - Trung gần đây đã có dấu hiệu hạ nhiệt. Trước đó, các nguồn tin trong ngành tiết lộ rằng một số nhà cung ứng truyền thống của Shein tại miền Nam Trung Quốc đã mất đơn hàng vào tay các nhà máy mới mở tại Việt Nam.
Shein từng khẳng định không có kế hoạch chuyển năng lực sản xuất ra khỏi Trung Quốc, song hãng đã bắt đầu xem xét mở rộng hoạt động hậu cần tại các thị trường như Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil. Kho hàng tại Việt Nam – bên cạnh lợi thế vị trí gần sân bay quốc tế, cảng biển lớn và mạng lưới logistics sẵn có – được cho là bước đi chủ động nhằm giảm thiểu rủi ro từ sự biến động chính sách thuế của Mỹ.
Việc mở kho tại Việt Nam cho phép Shein tận dụng lợi thế thuế quan từ chính sách “de minimis” của Mỹ, theo đó các gói hàng nhập khẩu có giá trị dưới 800 USD được miễn thuế. Tuy nhiên, quy định này đã bị hủy bỏ với hàng hóa từ Trung Quốc vào đầu tháng 5/2025, khiến mức thuế cho hàng hóa nhỏ từ Trung Quốc vọt lên 120%, trước khi được điều chỉnh giảm còn 54% trong thỏa thuận thương mại tại Geneva đạt được gần đây.
Với hàng hóa có nguồn gốc từ Việt Nam, miễn thuế vẫn được duy trì, ít nhất là trong ngắn hạn, khiến nước ta này trở thành điểm trung chuyển tiềm năng cho các hãng như Shein. Tuy vậy, chuyên gia chuỗi cung ứng Manish Kapoor cảnh báo rằng chính sách “de minimis” có thể bị loại bỏ hoàn toàn trong tương lai gần. “Chúng tôi đang khuyến cáo khách hàng không nên phụ thuộc vào hình thức miễn thuế đơn hàng nhỏ như một chiến lược lâu dài”, ông nói.
Bên cạnh đó, từ tháng 7/2025 tới, nếu Việt Nam không đạt được thỏa thuận thương mại song phương mới với Mỹ, thuế với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam có thể tăng từ 10% lên tới 46%. Điều này có thể làm lu mờ lợi thế hiện tại và buộc các doanh nghiệp như Shein phải đánh giá lại chiến lược hậu cần xuyên biên giới.
Tuy vậy, trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang ngày càng phân hóa vì địa chính trị, Shein dường như không còn nhiều lựa chọn. “Sẽ rất rủi ro nếu họ không đa dạng hóa”, ông Kapoor nhận định.
Shein hiện vẫn đang đầu tư mạnh tại Trung Quốc, bao gồm kế hoạch rót 10 tỷ nhân dân tệ (khoảng 1,8 tỷ USD) để xây dựng trung tâm chuỗi cung ứng rộng 49 ha gần Quảng Châu. Theo đó, quy mô của trung tâm này tương đương diện tích của Vatican. Song, với quy mô toàn cầu ngày càng mở rộng, hãng này cần nhiều hơn một điểm tựa duy nhất.
Doanh thu hàng năm của Shein đã vượt 30 tỷ USD, chủ yếu nhờ các sản phẩm giá rẻ như quần short 5 USD hay váy mùa hè 18 USD, phục vụ thế hệ người tiêu dùng Gen Z toàn cầu. Chiến lược logistics của Shein được xây dựng quanh tốc độ, chi phí thấp và lợi dụng lỗ hổng chính sách. Tuy nhiên, giờ đây hãng này buộc phải xây dựng một cấu trúc bền vững hơn để thích ứng với thực tế địa chính trị mới.