![]() |
Huawei và HarmonyOS: Kẻ thách thức thế độc quyền Windows – MacOS. |
Trong một bước đi phản ánh rõ sự kiên cường trước áp lực từ Washington, Huawei chuẩn bị tung ra dòng máy tính cá nhân đầu tiên chạy hệ điều hành HarmonyOS do chính hãng phát triển. Động thái này được xem là bước đi táo bạo nhằm phá vỡ thế độc quyền lâu đời của Windows và MacOS trên toàn cầu – một trận địa mà gần như không ai ngoài Microsoft và Apple có thể chen chân trong suốt bốn thập kỷ qua.
Dù vậy, sự chuyển mình này không hoàn toàn là tự nguyện. Việc giấy phép sử dụng Windows trên máy tính Huawei hết hạn vào tháng 3, cộng với lệnh cấm của Mỹ, khiến các công ty công nghệ Mỹ buộc phải chấm dứt hợp tác với Huawei. Thay vì lùi bước, tập đoàn Trung Quốc đã đầu tư mạnh mẽ vào một nhiệm vụ đầy tham vọng: xây dựng từ con số không một hệ sinh thái phần mềm độc lập.
Tuy nhiên, cạnh tranh với Windows và MacOS – những hệ điều hành ra đời từ thập niên 80 và là nền tảng cho phần lớn ứng dụng hiện nay – là thách thức khổng lồ. Việc phổ cập và chiếm được lòng tin người dùng không thể diễn ra trong một sớm một chiều. Tuy vậy, nếu Huawei có thể thu hút cộng đồng lập trình viên, HarmonyOS hoàn toàn có cơ hội trở thành lựa chọn thực sự trên thị trường hệ điều hành toàn cầu – đặc biệt là tại các thị trường không thân thiện với công nghệ Mỹ.
Thực tế, Huawei đã từng bước xây dựng niềm tin trong mảng di động: từ thị phần chỉ 8% vào đầu năm 2023, HarmonyOS đã vượt qua iOS tại Trung Quốc vào cuối năm 2024, chiếm 19% thị phần so với 17% của Apple. Android vẫn dẫn đầu nhưng đã giảm còn 64% – dấu hiệu cho thấy người dùng Trung Quốc đang dần chuyển hướng sang lựa chọn nội địa.
HarmonyOS còn được hậu thuẫn bởi chiến lược “tự chủ công nghệ” mà Chủ tịch Tập Cận Bình đặt làm ưu tiên quốc gia. Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tiếp diễn, nhiều người tiêu dùng Trung Quốc sẵn sàng ủng hộ sản phẩm nội địa như một cách thể hiện lòng yêu nước. Huawei cũng sở hữu một lượng lớn người dùng nhờ hệ sinh thái phần cứng phong phú, từ smartphone, tablet đến thiết bị đeo thông minh, và là nhà sản xuất PC lớn thứ hai tại Trung Quốc sau Lenovo.
Dù vậy, khó khăn vẫn còn đó. Phiên bản di động của HarmonyOS từng bị phàn nàn về khả năng tương thích với các ứng dụng phổ biến vốn được xây dựng cho Android hoặc iOS. Các sản phẩm PC demo trông bắt mắt, và có phần giống với MacBook, nhưng phải mất nhiều năm để phát triển đủ bộ ứng dụng như Microsoft Office hay các phần mềm liên lạc đặc thù của Apple.
Bên cạnh đó, thách thức lớn nhất nằm ở việc thuyết phục các nhà phát triển phần mềm. Dù Trung Quốc có nguồn kỹ sư dồi dào, Huawei cần những cơ chế khuyến khích rõ ràng để kéo họ về phía HarmonyOS. Hiện tại, Huawei cho biết dòng PC mới sẽ tích hợp nhiều tính năng AI sử dụng nền tảng DeepSeek, và đã có hơn 150 ứng dụng nội địa tương thích. Hơn một tỷ thiết bị Huawei đã vận hành HarmonyOS – nền tảng cho một hệ sinh thái đồng bộ đầy tiềm năng.
Trong khi giới quan sát vẫn còn tập trung vào khả năng Huawei phát triển chip AI thay thế cho Nvidia giữa lệnh cấm, thì phần mềm lại đang nổi lên là chiến tuyến mới. Lệnh cấm chip H20 của Nvidia đã vô tình tạo lực đẩy cho các lựa chọn thay thế nội địa. Và giờ đây, sự phổ biến ngày càng tăng của HarmonyOS cho thấy kịch bản tương tự đang diễn ra trong lĩnh vực hệ điều hành.
Chính sách siết chặt công nghệ của Mỹ, thay vì triệt tiêu Huawei, lại đang góp phần tạo nên một đế chế công nghệ độc lập tại Trung Quốc. Trong bối cảnh thế giới công nghệ ngày càng phân cực, câu hỏi không còn là liệu Huawei có thể thay thế Windows và MacOS, mà là liệu Bắc Kinh có đang đặt nền móng cho những tiêu chuẩn công nghệ toàn cầu mới – từ AI cho đến hệ điều hành.