![]() |
Chứng khoán Mỹ khởi sắc, S&P 500 xóa sạch mức giảm từ đầu năm 2025. |
Thị trường chứng khoán Mỹ đã phục hồi mạnh mẽ, chính thức xóa sạch toàn bộ mức giảm từ đầu năm 2025 khi chỉ số S&P 500 kết phiên giao dịch hôm thứ Ba (13/5) với mức tăng 0,7%. Động lực chính cho điều này đến từ số liệu lạm phát Mỹ bất ngờ giảm, cùng với tác động lan tỏa từ thỏa thuận thương mại mới giữa Mỹ và Trung Quốc, được Tổng thống Donald Trump công bố hồi đầu tháng 5/2025.
Dữ liệu từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm xuống còn 2,3% trong tháng 4 – mức thấp nhất trong 4 năm và thấp hơn kỳ vọng của thị trường. Thông tin này đã thắp thêm hy vọng về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ nguyên lãi suất trong ngắn hạn, từ đó tạo thêm dư địa phục hồi cho thị trường cổ phiếu.
Chỉ trong vòng chưa đầy hai tuần, S&P 500 đã chuyển mình mạnh mẽ: từ mức giảm gần 15% hồi đầu tháng 4 do căng thẳng thương mại leo thang, đến mức tăng nhẹ 0,1% tính từ đầu năm. Đây được xem là một cú đảo chiều ấn tượng sau chuỗi ngày ảm đạm của Phố Wall.
![]() |
Chỉ số S&P 500 đã chuyển mình mạnh mẽ, từ mức giảm gần 15% hồi đầu tháng 4 đến mức tăng nhẹ 0,1% tính từ đầu năm 2025 (Ảnh: Trading Economics). |
Đòn bẩy mạnh mẽ cho đợt hồi phục lần này đến từ quyết định bất ngờ của ông Trump hôm 9/4, khi tạm hoãn áp dụng mức thuế đối ứng trong vòng 90 ngày đối với phần lớn đối tác thương mại. Thị trường phản ứng tức thì với phiên tăng 9,5% – mức tăng trong ngày cao nhất của S&P 500 kể từ đầu năm. Tiếp đó, việc Mỹ và Trung Quốc cùng tuyên bố cắt giảm thuế tạm thời, sau cuộc đàm phán cuối tuần trước tại Thụy Sĩ, càng làm dịu đi lo ngại về một cuộc chiến thương mại kéo dài.
Ông Shep Perkins – Giám đốc danh mục đầu tư tại Putnam Investments, nhận định: “Chúng ta đang chứng kiến một sự đảo chiều nhanh chóng trong xu hướng thị trường những tháng qua. Thỏa thuận này là cú sốc tích cực đúng lúc thị trường đang chìm trong tâm lý bi quan”.
Giới đầu tư cũng nhanh chóng điều chỉnh lại dự báo về tăng trưởng lợi nhuận và rủi ro suy thoái. Theo Goldman Sachs, triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp Mỹ đã được nâng lên, cùng với mục tiêu điểm số mới cho S&P 500 vào cuối năm, nhờ mức thuế thấp hơn, tăng trưởng kinh tế được cải thiện và rủi ro suy thoái giảm rõ rệt.
Theo đó, nhóm cổ phiếu công nghệ vốn từng là nạn nhân lớn nhất trong đợt bán tháo hồi tháng 4, đến nay lại dẫn dắt đà tăng. Cổ phiếu của Nvidia (NVDA) tăng 5,6%, Palantir bật lên 8,1%, còn Super Micro Computer ghi nhận mức tăng bùng nổ 16%. Ngoài ra, chỉ số Nasdaq Composite (thiên về cổ phiếu công nghệ) theo đó cũng tăng 1,6%.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu lĩnh vực y tế và bất động sản ghi nhận mức giảm đáng kể, đặc biệt là UnitedHealth, mất 17,8% sau khi CEO bất ngờ từ chức.
![]() |
Chốt phiên ngày thứ Ba (13/4), cổ phiếu của Nvidia (NVDA) bật tăng 5,6% (Ảnh: Trading Economics). |
Mặc dù thị trường Mỹ đã khởi sắc, nhưng xét về hiệu suất năm, S&P 500 vẫn tụt hậu so với các thị trường lớn tại châu Âu – nơi chỉ số Stoxx Europe 600 đã tăng hơn 7%. Trong khi đó, thị trường Trung Quốc vẫn chưa thoát khỏi vùng tiêu cực khi chỉ số CSI 300 tiếp tục giảm.
Một số chuyên gia phân tích cảnh báo rằng nhà đầu tư không nên quá lạc quan. Mức thuế 30% mà Mỹ vẫn đang áp lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, cùng với ít nhất 10% đối với nhiều quốc gia khác, vẫn là rào cản lớn đối với tăng trưởng kinh tế.
Ông Felix-Antoine Vezina-Poirier, chiến lược gia tại BCA Research, nhấn mạnh: “Việc nới lỏng chính sách thuế trong ngắn hạn có thể tạo lực đẩy tích cực cho thị trường, nhưng không làm thay đổi cục diện tăng trưởng toàn cầu vốn đã suy yếu. Mức thuế trung bình 10% trên quy mô toàn cầu sẽ vẫn là lực cản gây ra tình trạng lạm phát đình trệ cho nền kinh tế Mỹ”.