![]() |
Boeing thắng lớn với đơn hàng kỷ lục tại Qatar nhờ ông Trump hậu thuẫn. |
Sau một năm đầy sóng gió với cuộc cải tổ ban lãnh đạo và khủng hoảng nội bộ kéo dài, Boeing đã ghi dấu sự trở lại ấn tượng bằng một đơn hàng máy bay lớn nhất trong lịch sử của hãng – một hợp đồng trị giá lên tới 96 tỷ USD với Qatar Airways, được ký kết trước sự chứng kiến của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Quốc vương Qatar vào thứ Tư (14/5) tại Doha.
Theo đó, thỏa thuận này bao gồm 130 chiếc 787 Dreamliner, 30 máy bay thân rộng 777X, cùng tùy chọn mua thêm 50 chiếc nữa. Đồng thời, hãng GE Aerospace – nhà cung cấp động cơ máy bay – cho biết đơn hàng lần này bao gồm hơn 400 động cơ, đánh dấu thương vụ lớn nhất từ trước đến nay của hãng đối với dòng máy bay thân rộng.
“Chúng tôi không đơn thuần theo đuổi quy mô, mà đang xây dựng sức mạnh”, CEO Qatar Airways Badr Mohammed Al-Meer khẳng định trong thông cáo chung với Boeing. Các máy bay theo đơn hàng này sẽ được sản xuất dần trong suốt thập kỷ tới.
Đây không chỉ là chiến thắng thương mại cho Boeing, mà còn là điểm nhấn chính trị quan trọng với Tổng thống Donald Trump. Ông đang trong chuyến công du tới Trung Đông với mục tiêu thu hút hàng nghìn tỷ USD từ các thỏa thuận thương mại, nhằm củng cố vị thế “bậc thầy đàm phán”. Thỏa thuận với Qatar cũng tiếp nối cam kết trị giá 4,8 tỷ USD từ Quỹ đầu tư quốc gia Ả Rập Xê Út công bố trước đó một ngày.
Bên cạnh đó, thỏa thuận tại Doha cũng mang ý nghĩa chiến lược, trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang hạ nhiệt. Cổ phiếu Boeing đã tăng tới 3,1% trong phiên giao dịch ngay sau lễ ký kết, lên mức cao nhất trong 15 tháng, và tăng tổng cộng hơn 50% kể từ mức đáy hồi đầu tháng 4/2025, thời điểm "cơn địa chấn" từ chính sách thuế quan của ông Trump khiến nhà đầu tư tháo chạy khỏi cổ phiếu ngành hàng không Mỹ.
![]() |
Tổng thống Donald Trump (trái) và Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad Al Thani tham dự lễ ký kết tại Doha, Qatar, ngày 14/5/2025. |
CEO Boeing, ông Kelly Ortberg, trước đây đã nghỉ hưu, tuy nhiên ông đã quay trở lại điều hành hãng trong năm 2024, sau một tai nạn nghiêm trọng làm lộ ra hàng loạt sai sót trong chuỗi sản xuất và quản trị của hãng. Dưới sự dẫn dắt của ông Ortberg, Boeing đã vượt qua một cuộc đình công lớn, củng cố lại tài chính và thúc đẩy sản lượng của hai dòng chủ lực là 737 Max và 787 Dreamliner.
Tuy nhiên, quan hệ giữa ông Trump và Boeing không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Tổng thống từng công khai chỉ trích hãng vì chậm trễ trong việc bàn giao hai chuyên cơ Air Force One mới. Gần đây, ông còn đưa ra đề xuất gây tranh cãi khi cân nhắc nhận một chiếc Boeing 747-8 hạng sang do Qatar sở hữu để dùng tạm, trong khi chờ phiên bản chính thức từ Boeing – một ý tưởng gây chia rẽ trong chính giới Mỹ.
Thỏa thuận lần này cũng phản ánh sự dịch chuyển rõ rệt trong chiến lược của Qatar Airways – hãng hàng không vốn vận hành đội bay hỗn hợp với cả Boeing và Airbus. Dù Qatar vẫn đang xem xét một đơn hàng nhỏ hơn với dòng Airbus A350, ưu tiên hiện tại rõ ràng đang nghiêng về phía Boeing – đặc biệt trong phân khúc máy bay thân rộng.
Từ sau đại dịch, nhu cầu về các dòng máy bay tầm xa đã tăng mạnh khi các tuyến bay quốc tế được khôi phục và các hãng hàng không toàn cầu đẩy nhanh việc thay thế đội bay cũ. Vùng Vịnh, với các hãng hàng không lớn như Emirates và Qatar Airways, đã nổi lên như một thị trường trọng điểm cho Boeing, với các đơn hàng có quy mô ngang tầm kỷ lục.
![]() |
Cổ phiếu Boeing đã tăng tới 3,1% trong phiên giao dịch ngay sau lễ ký kết, lên mức cao nhất trong 15 tháng, và tăng tổng cộng hơn 50% kể từ mức đáy hồi đầu tháng 4/2025 (Ảnh: trading Economics). |
Ngoài ra, CEO Ortberg không đơn độc trong hành trình lần này. Ông được tháp tùng bởi bà Stephanie Pope, người đứng đầu mảng hàng không thương mại của Boeing, khi cả hai đều là những nhân sự mới được bổ nhiệm sau đợt cải tổ năm ngoái, nhằm làm mới bộ máy lãnh đạo từng chịu nhiều chỉ trích dưới thời cựu CEO Dave Calhoun.
Theo các chuyên gia phân tích từ Bloomberg Intelligence, tín hiệu tích cực từ thỏa thuận với Qatar, cùng với triển vọng thương mại sáng sủa hơn, đang giúp trái phiếu của Boeing vượt trội so với các đối thủ trong năm nay. “Nếu Boeing duy trì được tiến độ sản xuất và giao hàng, kết hợp với thanh khoản dồi dào, thì hiệu suất trái phiếu của họ có thể tiếp tục tăng”, chuyên gia Matthew Geudtner nhận định.
Dù vậy, cuộc chơi vẫn chưa kết thúc. Qatar vẫn để ngỏ khả năng mua thêm máy bay từ Airbus, và thỏa thuận này, nếu được chốt, có thể được công bố tại Triển lãm Hàng không Paris vào tháng Sáu tới. Cuộc cạnh tranh giữa hai “ông lớn” Boeing và Airbus vẫn tiếp tục diễn ra gay gắt, đặc biệt tại các thị trường mới nổi và Trung Đông – nơi mỗi đơn hàng không chỉ là mang tính giao thương, mà còn là một thông điệp địa chính trị.