![]() |
Kinh tế Nhật Bản suy giảm, lo ngại suy thoái kép vì thuế quan Mỹ. |
Nền kinh tế Nhật Bản đã thu hẹp lần đầu tiên sau một năm trong quý I/2025, với tốc độ suy giảm lớn hơn nhiều so với dự báo. Điều này cho thấy mức độ dễ tổn thương của quá trình phục hồi, đặc biệt trong bối cảnh các chính sách thương mại ngày càng cứng rắn từ Mỹ có nguy cơ đẩy quốc gia này vào suy thoái kép.
Theo số liệu sơ bộ do chính phủ Nhật Bản công bố sáng thứ Sáu (16/5), tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của nước này đã giảm 0,7% trong quý I/2025 so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn nhiều so với mức dự báo trung bình giảm 0,2% từ giới phân tích. Trước đó, quý IV/2024, nước này ghi nhận mức tăng mạnh 2,4% sau điều chỉnh.
Nguyên nhân chính của sự suy giảm này đến từ tiêu dùng cá nhân trì trệ và xuất khẩu sụt giảm – hai trụ cột quan trọng của nền kinh tế Nhật Bản. Dữ liệu cho thấy ngay cả trước khi Tổng thống Donald Trump công bố loạt thuế quan đối ứng vào ngày 2/4, nhu cầu từ thị trường nước ngoài đã suy yếu đáng kể và không đủ để hỗ trợ cho nền kinh tế Nhật Bản.
“Không có động lực tăng trưởng rõ ràng, kinh tế Nhật hiện đang đặc biệt nhạy cảm với các cú sốc từ bên ngoài như thuế quan Mỹ”, ông Yoshiki Shinke, Kinh tế trưởng tại Viện Nghiên cứu Dai-ichi Life nhận định. Ông cảnh báo nền kinh tế có thể tiếp tục suy giảm trong quý II/2025 nếu tác động từ chính sách thuế mới của Mỹ gia tăng.
Xét theo quý, GDP của Nhật giảm 0,2% so với quý trước, vượt mức dự báo 0,1% của thị trường. Tiêu dùng cá nhân – chiếm hơn 50% GDP – không tăng trưởng trong quý I/2025, trong khi đầu tư vốn lại bất ngờ tăng 1,4%, gần gấp đôi mức dự báo 0,8%. Giới phân tích cho rằng sự gia tăng đầu tư này phần nào phản ánh hoạt động “mua trước” để né tránh các rào cản thương mại do Mỹ sắp áp dụng.
Đáng chú ý, xuất khẩu của Nhật đã giảm 0,6% trong quý, trong khi nhập khẩu tăng 2,9%. Kết quả là nhu cầu từ bên ngoài khiến GDP giảm 0,8 điểm phần trăm, trong khi nhu cầu nội địa đóng góp ngược lại 0,7 điểm phần trăm.
“Nếu tác động của thuế quan từ Mỹ không quá nghiêm trọng, Ngân hàng Trung ương Nhật (BOJ) vẫn có thể nâng lãi suất thêm một lần nữa vào tháng 9 hoặc tháng 10. Tuy nhiên, nếu xuất khẩu và đầu tư bị đánh mạnh, việc tăng lãi suất chắc chắn sẽ bị trì hoãn”, ông Takeshi Minami, Kinh tế trưởng tại Viện Nghiên cứu Norinchukin nhận định.
Sau hơn một thập kỷ kích thích tiền tệ chưa từng có, BOJ đã bắt đầu nâng lãi suất trở lại, với lần tăng đầu tiên lên 0,5% vào hồi tháng 1 năm nay. Tuy nhiên, tại cuộc họp chính sách ngày 30/4 – 1/5 vừa qua, BOJ đã hạ mạnh dự báo tăng trưởng kinh tế, đồng thời bày tỏ lo ngại rằng tăng lương vẫn chưa đủ bền vững để hỗ trợ tiêu dùng và đạt mục tiêu lạm phát 2%.
Việc Mỹ và Trung Quốc đạt được bước đột phá trong đàm phán thương mại gần đây đã giúp xoa dịu phần nào tâm lý thị trường. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu Nhật Bản có thể giành được miễn trừ trong các cuộc đàm phán song phương với Washington hay không, đặc biệt là với các ngành chủ lực như ô tô và điện tử.
Số liệu GDP u ám lần này cũng làm gia tăng áp lực chính trị trong nước lên Thủ tướng Shigeru Ishiba, khi nhiều nghị sĩ kêu gọi xem xét giảm thuế hoặc tung thêm gói kích thích kinh tế mới nhằm hỗ trợ nhu cầu nội địa trong thời điểm bất ổn.