![]() |
Trung Quốc duy trì kiểm soát đất hiếm dù nới lỏng hạn chế xuất khẩu với Mỹ. |
Trung Quốc đã tạm thời dỡ bỏ một số biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với 28 công ty Mỹ, sau khi đạt được thỏa thuận đình chiến thương mại với chính quyền Tổng thống Donald Trump cuối tuần qua tại Thụy Sĩ. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn giữ nguyên lệnh cấm xuất khẩu bảy loại kim loại đất hiếm chiến lược sang Mỹ – một đòn bẩy quan trọng trong cuộc đối đầu thương mại đang diễn biến phức tạp.
Dù bản tuyên bố từ Geneva nêu rõ Trung Quốc sẽ “áp dụng mọi biện pháp hành chính cần thiết để đình chỉ hoặc loại bỏ các biện pháp phi thuế đã áp dụng từ ngày 2/4/2025”, nhưng các biện pháp hạn chế đất hiếm dường như không nằm trong diện được dỡ bỏ. Tại cuộc họp báo thường kỳ hôm thứ Năm (15/5), phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc đã từ chối cung cấp thông tin cụ thể về vấn đề này.
Trước đó, vào ngày 4/4, Bắc Kinh đã áp đặt lệnh hạn chế xuất khẩu bảy nguyên tố đất hiếm, một phần trong gói biện pháp trả đũa nhằm vào loạt thuế quan đối ứng của Tổng thống Donald Trump. Đây đều là những kim loại đóng vai trò sống còn trong ngành quốc phòng, năng lượng và công nghệ cao của Mỹ.
Trung Quốc hiện là nhà cung cấp phần lớn nguồn cung đất hiếm cho Mỹ, và coi đây là “con bài chiến lược” trong các cuộc đàm phán thương mại. Một tài khoản mạng xã hội liên kết với Đài truyền hình trung ương CCTV mới đây đã ám chỉ rõ: “Giờ khi ngành quốc phòng Mỹ đang ‘bị bóp nghẹt vì thiếu đất hiếm’, liệu vũ khí và trang thiết bị của họ sẽ thay đổi ra sao?”.
Mặc dù đã gỡ 28 công ty Mỹ khỏi danh sách kiểm soát xuất khẩu đối với các mặt hàng lưỡng dụng trong thời hạn 90 ngày, cũng như đưa 17 doanh nghiệp khác ra khỏi “danh sách thực thể không đáng tin cậy”, Trung Quốc vẫn kiên quyết kiểm soát chặt nguồn tài nguyên đất hiếm. Trong tuyên bố ngày thứ Tư (14/5), Bộ Thương mại Trung Quốc nhấn mạnh cần có “quản lý toàn diện tài nguyên chiến lược vì lý do an ninh quốc gia”.
Ngoài ra, danh sách các công ty Mỹ được tạm gỡ trừng phạt bao gồm nhiều cái tên quen thuộc trong lĩnh vực quốc phòng và công nghệ, như Universal Logistics Holdings, Cyberlux, Hudson Technologies và Oceaneering International. Những cái tên như Teledyne Brown Engineering, Kratos Unmanned Aerial Systems hay Insitu bị đưa vào danh sách vào ngày 9/4 – trùng với thời điểm ông Trump tuyên bố hoãn thuế với tất cả quốc gia trừ Trung Quốc.
Theo quy định, mọi công ty muốn xuất khẩu hàng hóa lưỡng dụng từ Trung Quốc phải được Bộ Thương mại nước này cấp phép. Trong khi đó, các doanh nghiệp nằm trong “danh sách thực thể không đáng tin cậy” bị cấm xuất nhập khẩu, cũng như không được đầu tư mới tại Trung Quốc. Một số hãng sản xuất thiết bị bay không người lái như Kratos và Sierra Nevada Corp. cũng nằm trong diện được miễn tạm thời lần này.
Dù phần nào nới lỏng trừng phạt thương mại, việc giữ nguyên kiểm soát đất hiếm cho thấy Trung Quốc chưa sẵn sàng từ bỏ công cụ chiến lược quan trọng nhất của mình, đặc biệt trong bối cảnh các ngành công nghiệp Mỹ vẫn chưa thể tìm ra nguồn cung thay thế đáng tin cậy.