Ngày thứ Năm (10/7), Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubiocó cuộc gặp chính thức với các ngoại trưởng ASEAN tại Kuala Lumpur, đánh dấu chuyến thăm châu Á đầu tiên kể từ khi ông nhậm chức. Dù đặt mục tiêu khẳng định cam kết của Mỹ với khu vực, chuyến đi của ông diễn ra trong bối cảnh làn sóng áp thuế mới của Tổng thống Donald Trump đang phủ bóng lên quan hệ thương mại quốc tế.
![]() |
Ngoại trưởng Mỹ lần đầu thăm châu Á giữa căng thẳng thuế quan |
Theo thông báo từ Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Rubio sẽ tham dự hội nghị với đại diện 10 quốc gia thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đồng thời có cuộc hội đàm song phương với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng tại thủ đô của Malaysia.
Chuyến công du nằm trong chiến lược tái khẳng định vai trò của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong bối cảnh chính quyền của ông Trump đang dành nhiều sự quan tâm đến các điểm nóng tại Trung Đông và châu Âu. Ông Rubio hiện đang đảm nhiệm đồng thời hai vị trí quan trọng: Ngoại trưởng Hoa Kỳ và Cố vấn An ninh Quốc gia.
Tuy nhiên, các biện pháp áp thuế mới của Tổng thống Trump đang khiến nhiều đối tác tại khu vực cảm thấy lo ngại. Sáu quốc gia ASEAN, bao gồm Malaysia, cùng với Nhật Bản và Hàn Quốc – hai đồng minh chiến lược của Mỹ – đã nằm trong danh sách bị áp thuế từ 25% đến 40%, có hiệu lực từ ngày 1/8 tới. Trong đó, Indonesia phải đối mặt mức thuế 32%, Thái Lan và Campuchia 36%, còn Lào và Myanmar lên tới 40%.
Dù vậy, ông Rubio vẫn sẽ nỗ lực củng cố quan hệ với các đối tác và đồng minh trong khu vực, với thông điệp rằng Mỹ vẫn là đối tác đáng tin cậy. Giới phân tích cho rằng, đây là nỗ lực của Washington nhằm cân bằng lại ảnh hưởng từ Bắc Kinh, cả về ngoại giao lẫn kinh tế.
Ông Victor Cha - Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quan hệ Quốc tế (CSIS) - nhận định: “Đây là động thái quan trọng trong bối cảnh Mỹ cần phản ứng trước đòn tấn công ngoại giao – kinh tế ngày càng mạnh mẽ từ Trung Quốc”.
Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio sẽ gặp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov lần thứ hai trong nhiệm kỳ, trong khi khả năng gặp người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị vẫn chưa được làm rõ.
Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ chia sẻ, trọng tâm chuyến đi là tái khẳng định cam kết lâu dài của Mỹ với Đông Nam Á – khu vực không chỉ có vai trò chiến lược mà còn đóng góp trực tiếp vào thịnh vượng và an ninh của Mỹ. Tuy nhiên, vị này cũng thừa nhận rằng chuyến đi diễn ra muộn hơn so với thông lệ, khi đã bước sang tháng thứ 7 của nhiệm kỳ.
Theo nguồn tin từ Reuters, bản dự thảo tuyên bố chung của các ngoại trưởng ASEAN đã bày tỏ “quan ngại sâu sắc trước căng thẳng thương mại toàn cầu và những bất ổn ngày càng gia tăng trong môi trường kinh tế quốc tế”, đồng thời chỉ trích các hành động thuế quan đơn phương là “phản tác dụng và có nguy cơ làm gia tăng phân mảnh kinh tế toàn cầu”.
Bên cạnh đó, không chỉ các nước Đông Nam Á, một số đối tác chủ chốt khác của Mỹ trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng đang phản ứng mạnh mẽ. Chính phủ Úc ngày 9/7 tuyên bố đang “khẩn cấp yêu cầu Mỹ cung cấp thêm thông tin”, sau khi ông Trump đe dọa áp thuế tới 200% đối với ngành dược phẩm nhập khẩu.
Hiện nay, ASEAN là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới với phần lớn thành viên phụ thuộc vào xuất khẩu. Nhiều quốc gia trong khu vực đang hưởng lợi từ quá trình tái cơ cấu chuỗi cung ứng toàn cầu rời khỏi Trung Quốc. Trong số này, hiện chỉ có Việt Nam là đạt được thỏa thuận với Mỹ, giúp hạ mức thuế đối ứng từ 46% xuống còn 20%, dù chi tiết thỏa thuận vẫn chưa được công bố.
![]() |
![]() |
![]() |